Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 120/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm quyền tài sản được giao dịch thông suốt, hiệu lực thực thi và bảo vệ có hiệu quả” với những nội dung cụ thể.

Theo đó, việc xây dựng Đề án trên cơ sở bám sát mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế về quyền sở hữu tài sản (quyền đối với tài sản); bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Hiến pháp năm 2013; đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; góp phần thúc đẩy thực hiện phương châm dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đánh giá pháp luật và thực trạng thi hành pháp luật về quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân một cách tổng thể, khách quan để làm tiền đề xác định các giải pháp, nhiệm vụ tháo gỡ vướng mắc, bất cập liên quan; qua đó góp phần phát huy nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an toàn, công khai, minh bạch, tính dự báo của pháp luật.

Bảo đảm sự tương thích, đồng bộ với các Chương trình, Đề án khác liên quan đến quyền sở hữu tài sản; xác định các nhiệm vụ trọng tâm mà bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan cần thực hiện trên cơ sở kế thừa các nhiệm vụ, giải pháp đang triển khai; bảo đảm tính khoa học, khả thi, kế thừa, kết hợp và tận dụng tối đa các nguồn lực hiện có, tránh trùng lặp.

Mục tiêu Đề án là xác định giải pháp đối với việc hoàn thiện pháp luật cũng như tổ chức thi hành pháp luật về quyền sở hữu tài sản thông qua việc rà soát, đánh giá mức độ thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền sở tài sản của tổ chức, cá nhân trong hệ thống pháp luật; vai trò của pháp luật cũng như thực tiễn thi hành về quyền đối với tài sản trong việc thúc đẩy phát triển giao dịch trong đời sống xã hội.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một phiên toà giải quyết vụ án tranh chấp tài sản sau ly hôn. (Ảnh minh hoạ)

Thông qua việc rà soát pháp luật liên quan đến quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân cũng như thực trạng thực thi pháp luật để phát hiện những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, khoảng trống.

Xác định các nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan trong việc triển khai các giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật; giải pháp thực thi pháp luật hiệu quả để đảm bảo quyền sở hữu tài sản được thực thi một cách hữu hiệu, an toàn và minh bạch.

Về nhiệm vụ và giải pháp gồm: Nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan đến pháp luật về quyền sở hữu tài sản và thực tiễn thi hành, tập trung vào các loại tài sản phi truyền thống, dữ liệu số, tài nguyên số của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bên cạnh đó, xác định các vướng mắc, bất cập; đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân trong một số lĩnh vực trọng tâm.

Mặt khác, xây dựng báo cáo tổng thể về rà soát pháp luật, xác định các vấn đề vướng mắc, bất cập và đề xuất giải pháp tổng thể hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, cần nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân, đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi pháp luật và giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu tài sản. 

Tổ chức các diễn đàn đối thoại để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về quyền sở hữu tài sản. Đồng thời, tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý, tư vấn pháp luật cho người dân, doanh nghiệp đối với các vấn đề liên quan quyền sở hữu tài sản.

Về tổ chức thực hiện, đề nghị TAND tối cao, VKSND tối cao, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp phối hợp với các bộ, ngành trong việc triển khai, thực hiện Đề án trên.

P.V