Giảm đầu mối các đơn vị có tính chất nhiệm vụ tương đồng
Đó là một trong những nội dung được đề cập trong Hướng dẫn số 39/HD-VKSTC của VKSND tối cao về thực hiện công tác tổ chức cán bộ năm 2020.
Theo Hướng dẫn của VKSND tối cao, trong công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp đội ngũ công chức, viên chức, cần thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, các đơn vị thuộc VKSND tối cao, trên cơ sở rà soát về chức năng, nhiệm vụ, đánh giá khối lượng công việc của một số phòng thuộc đơn vị mình, chủ động đề xuất việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy làm việc tinh gọn, giảm đầu mối các đơn vị có tính chất nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ hoặc chức năng, nhiệm vụ đã chuyển cho đơn vị, VKSND cấp khác, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
VKSND cấp tỉnh căn cứ Hướng dẫn số 37/HD-VKSTC ngày 28/11/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cấp phòng thuộc VKSND cấp tỉnh đề xuất sáp nhập các phòng làm việc tinh gọn, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, hoạt động hiệu quả, phát huy tốt nhất nguồn lực hiện có, đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
|
|
Cán bộ, Kiểm sát viên VKSND tỉnh Vĩnh Phúc trao đổi nghiệp vụ. (Ảnh minh hoạ). |
Việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ quản lý sau khi kiện toàn bộ máy thực hiện theo Hướng dẫn số 37/HD-VKSTC ngày 28/11/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cấp phòng thuộc VKSND cấp tỉnh, phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị, VKSND địa phương trên cơ sở đảm bảo tối đa chính sách đối với cán bộ.
Rà soát, điều chỉnh, bố trí các chức danh tư pháp, công chức, viên chức hợp lý, đảm bảo phân loại theo công việc để tạo sự chuyên sâu trong các lĩnh vực công tác. Tập trung Kiểm sát viên cho công tác nghiệp vụ, giảm khu vực hành chính, phục vụ; tăng cường nhân lực cho các khâu công tác dân sự, hành chính nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và các luật mới về tư pháp.
Trong công tác quản lý biên chế; tuyển dụng công chức: Thực hiện Nghị quyết số 39-NQTW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức trong ngành KSND từ năm 2019-2021.
Năm 2020, Vụ Tổ chức cán bộ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh tham mưu cho Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao quyết định điều chỉnh giảm biên chế trong toàn Ngành với tỷ lệ phù hợp (khoảng 3,3%), đảm bảo các đơn vị, VKSND các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đồng thời đạt mục tiêu đến năm 2021 giảm được 10% tổng biên chế được giao theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các đơn vị, VKSND cấp dưới chủ động rà soát, bố trí nhân sự, chuyển đổi vị trí công tác hợp lý nhằm phát huy tốt nhất nguồn nhân lực hiện có, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tránh bị động khi biên chế bị cắt giảm.
Đánh giá công chức nghiêm túc, tránh hình thức, bình quân chủ nghĩa
Trong công tác đánh giá, phân loại công chức, viên chức, Hướng dẫn nêu rõ: Các đơn vị, VKSND các cấp thực hiện việc đánh giá, phân loại phải nghiêm túc, khách quan, thực chất, tránh hình thức, qua loa, bình quân chủ nghĩa; trên cơ sở các tiêu chí đánh giá, khối lượng công việc được giao, kết quả công việc hoàn thành, chất lượng công việc đạt được để đối chiếu, so sánh, nhận xét, chấm điểm đảm bảo trung thực, chính xác. Đánh giá cán bộ là một khâu rất quan trọng trong công tác cán bộ, từ kết quả đánh giá, nhận xét để làm căn cứ trong quản lý, sử dụng cán bộ hoặc thực hiện việc tinh giản biên chế theo quy định.
|
|
Kiểm sát viên cùng Đoàn kiểm sát tiến hành kiểm sát trực tiếp tại một đơn vị Thi hành án dân sự. (Ảnh minh hoạ). |
Trong công tác quản lý, giáo dục công chức, viên chức, người lao động và công tác bảo vệ chính trị nội bộ: Thủ trưởng đơn vị VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giáo dục công chức, viên chức và người lao động; quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; gắn việc thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định về xử lý kỷ luật trong ngành KSND; Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/1/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm và tiếp tục thực hiện các quy chế, quy định về công vụ, trật tự nội vụ của Ngành.
Tập trung thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa vi phạm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quản lý chặt chẽ đội ngũ công chức, viên chức. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm công chức, viên chức vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật; gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, lãnh đạo phụ trách không làm hết trách nhiệm để xảy ra vi phạm phải xử lý kỷ luật. Thủ trưởng đơn vị, Viện trưởng VKSND cấp dưới phải trực tiếp chịu trách nhiệm về những vị phạm, khuyết điểm, yếu kém xảy ra tại đơn vị mình.
Chủ động, kịp thời tổ chức kiểm tra, xác minh và báo cáo VKSND cấp trên theo đúng quy định phân cấp quản lý công chức, viên chức khi có thông tin liên quan đến hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, quy định, quy chế của Ngành đối với công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị, nhất là những thông tin được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; bảo vệ bí mật công tác, bí mật hồ sơ, tài liệu...; những đơn vị để mất đoàn kết nội bộ, có cán bộ mắc sai phạm thì trước hết là người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Viện trưởng VKSND tối cao, sau đó sẽ xác minh, xử lý theo quy định.
Về tuyển chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý và chức danh tư pháp, Hướng dẫn của VKSND tối cao lưu ý: Từ năm 2020, cần lưu ý, trong hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, ngoài các tài liệu theo quy định còn có thêm kết luận của cơ quan có thẩm quyền về tiêu chuẩn chính trị cán bộ. Vì vậy, khi lập hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND các cấp chỉ đạo đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ xây dựng hồ sơ đầy đủ theo quy định. |