Bộ Công an vừa hoàn thiện dự thảo (lần 2) Thông tư quy định chi tiết thi hành thi đua chấp hành án phạt tù, khen thưởng, xử lý phạm nhân vi phạm để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thông tư áp dụng đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ trong CAND.
Theo dự thảo Thông tư, việc khen thưởng, xử lý phạm nhân vi phạm phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Luật Thi hành án hình sự trong khen thưởng, xử lý phạm nhân vi phạm.
Về khen thưởng phạm nhân, dự thảo Thông tư nêu rõ: Phạm nhân có thành tích phải được khen thưởng kịp thời, bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, nhằm động viên, khuyến khích phạm nhân tích cực thi đua chấp hành án, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án phạt tù.
Khen thưởng phải căn cứ vào tính chất, mức độ thành tích, kết quả của tập thể, cá nhân phạm nhân đã đạt được; mức khen thưởng phải tương xứng với thành tích, kết quả đạt được của tập thể, cá nhân phạm nhân.
Một hình thức khen thưởng được tặng nhiều lần cho một tập thể, cá nhân phạm nhân; một thành tích được xem xét khen thưởng bằng một hoặc nhiều hình thức khác nhau quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Thi hành án hình sự; không khen thưởng nhiều lần đối với một thành tích. Trong cùng một phong trào thi đua hoặc kế hoạch chuyên đề, nếu một phạm nhân có nhiều thành tích, thì áp dụng chung khen thưởng một lần, không tách riêng từng thành tích để khen thưởng.
|
|
Kiểm sát viên kiểm sát thực hiện quyết định đặc xá. (Ảnh minh hoạ - Trần Tùng) |
Việc xử lý phạm nhân vi phạm phải bảo đảm thực hiện nghiêm quy định tại Điều 43 Luật Thi hành án hình sự, Điều 20 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 9/11/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự.
Hành vi nghiêm cấm trong khen thưởng, xử lý phạm nhân vi phạm bao gồm: Khen thưởng không đúng đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, thẩm quyền; làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu hoặc can thiệp trái phép, lợi dụng khen thưởng nhằm nâng mức xếp loại chấp hành án phạt tù, đề nghị đặc xá, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện cho phạm nhân hoặc vì mục đích vụ lợi khác.
Xử lý phạm nhân vi phạm không đúng quy định pháp luật; làm giả, sai lệch hồ sơ xử lý phạm nhân vi phạm; can thiệp trái phép, lợi dụng kỷ luật xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của phạm nhân.
Ngoài việc khen thưởng, xử lý, đối với phong trào thi đua chấp hành án phạt tù thường xuyên hàng năm, dự thảo Thông tư cũng đề cập đến các tiêu chí thi đua đó là: Phạm nhân nhận thức rõ tội lỗi của mình, ăn năn hối cải, nghiêm chỉnh chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, các quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự và quyết định khác của cơ quan nhà nước.
Phạm nhân thi đua chấp hành Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, các quy định của pháp luật liên quan và quy định của cơ sở giam giữ phạm nhân.
Phạm nhân thi đua tích cực, tự giác trong học tập, các chương trình, nội dung, hoạt động giáo dục, lao động, học nghề; lao động có kỷ luật, chất lượng, hiệu quả, hoàn thành và vượt chỉ tiêu, định mức hoặc tiến độ lao động, công việc được giao; thực hiện tốt yêu cầu an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường.
Phạm nhân thi đua tích cực, tự giác thực hiện tốt quy định nếp sống văn hóa, giao tiếp, ứng xử văn minh, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư quy định các hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật đó là: Các hành vi vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân; chế độ quản lý, giam giữ phạm nhân; các hành vi vi phạm quy định về danh mục đồ vật cấm đưa vào nơi chấp hành án phạt tù.
Các hành vi vi phạm quy định thực hiện nếp sống văn hóa, giao tiếp, ứng xử của phạm nhân; các hành vi vi phạm quy định của Luật Thi hành án hình sự, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật này và pháp luật có liên quan.