Thời hiệu xử phạt là 1 năm
Bộ Công an vừa hoàn thiện dự thảo (lần 2) Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, hệ thống pháp luật về an ninh mạng bước đầu được xây dựng, triển khai nhưng chưa hoàn thiện, thiếu mảnh ghép quan trọng là văn bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng nên chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ an ninh mạng trong tình hình hiện nay.
Bên cạnh đó, tình hình an ninh mạng diễn biến phức tạp, đặt ra yêu cầu chế tài xử phạt hành chính về an ninh mạng là cần thiết.
Về đối tượng áp dụng, Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng.
Các hành vi vi phạm hành chính khác liên quan đến lĩnh vực an ninh mạng không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Nghị định nêu rõ, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng là 1 năm, trừ trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, cung cấp, khai thác, xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng, thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm.
Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điểm b, c và d Khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Quy định cụ thể về hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả
Theo dự thảo Nghị định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, tổ chức, cá nhân phải chịu hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung.
Cụ thể, tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện, tài liệu vi phạm hành chính.
|
|
Cơ quan An ninh điều tra lấy lời khai đối tượng về hành vi đăng tải trên Facebook nội dung xúc phạm lực lượng Công an. (Ảnh minh hoạ) |
Cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hành vi vi phạm trong lĩnh vực an ninh mạng.
Ngoài biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điểm d, i Khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.
Theo đó, buộc gỡ bỏ chương trình, phần mềm; buộc thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm, thiết bị, ngừng cung cấp dịch vụ gây hại về an ninh mạng; hoặc không đảm bảo chất lượng hoặc không có giấy phép hoặc thực hiện không đúng với giấy phép.
Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả về an ninh mạng; buộc xóa dữ liệu bị chiếm đoạt, mua bán, trao đổi trái phép.
Buộc xóa bỏ, cải chính thông tin có nội dung vi phạm pháp luật về an ninh mạng; buộc loại bỏ tính năng, thành phần gây hại về an ninh chương trình, sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm.
Buộc thu hồi số thuê bao, đầu số, kho số viễn thông; tài nguyên Internet, tên miền, địa chỉ Internet (IP), số hiệu mạng (ASN); mã số quản lý, số cung cấp dịch vụ.
Buộc hoàn trả địa chỉ IP, ASN, tên miền, tài khoản số; buộc chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm.
Buộc hủy bỏ kết quả thẩm định, đánh giá, kiểm tra, chứng nhận về an ninh mạng; buộc sửa đổi thông tin đối với sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm.
Buộc cải chính kết quả thẩm định, đánh giá, kiểm tra, chứng nhận về an ninh mạng; buộc thẩm định, đánh giá, kiểm tra, chứng nhận lại về an ninh mạng.
Buộc công bố lại thông tin thẩm định, đánh giá, kiểm tra, chứng nhận, thông tin về sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm.
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 37 Luật Xử lý vi phạm hành chính được áp dụng đối với người vi phạm có thu lợi bất hợp pháp.
Phạt từ 60 đến 80 triệu đồng về hành vi làm ra và phát tán thông tin xúc phạm quốc kỳ, quốc huy, quốc ca
Cũng theo dự thảo Nghị định, phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong những hành vi gồm: Làm ra và phát tán thông tin có nội dung kêu gọi, tổ chức, thực hiện cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người khác nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tiến hành các hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân.
Làm ra và phát tán thông tin có nội dung kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân.
Làm ra và phát tán thông tin có nội dung kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự.
Làm ra và phát tán thông tin có nội dung kêu gọi, vận động, xúi giục, lôi kéo người khác tiến hành hoạt động khủng bố mạng.
Làm ra và phát tán thông tin có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.
Làm ra và phát tán thông tin có nội dung xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.
Làm ra và phát tán thông tin có nội dung xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng.
Làm ra và phát tán thông tin có nội dung chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.
Làm ra và phát tán thông tin có nội dung bịa đặt, sai sự thật về chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng.
Thiết lập các trang thông tin điện tử, mạng xã hội hoặc tài khoản, chuyên trang trên mạng xã hội, diễn đàn điện tử để đăng tải, hướng dẫn thực hiện việc làm ra, đăng tải thông tin có nội dung chống nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định còn quy định: Khi phát hiện hành vi vi phạm quy định về an ninh mạng tại Nghị định này đủ căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự, thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 4 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính. |