Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ tiếp tục coi trọng công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật là một trong ba khâu đột phá chiến lược theo các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực cao nhất, quyết tâm thực hiện đúng tiến độ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của tổ chức, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện nội dung các dự án Luật, tạo sự đồng thuận cao, nâng cao chất lượng dự án Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, tháng 10 năm 2022.

Đồng thời với việc xây dựng các dự án Luật trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ động rà soát các quy định pháp luật hiện hành nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo và không để khoảng trống pháp lý đối với các vấn đề thực tiễn mới phát sinh; sửa đổi, bổ sung các Thông tư thuộc thẩm quyền; tổng hợp kiến nghị của các địa phương về các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm quy trình xây dựng, trình văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung về công tác xây dựng thể chế, pháp luật tại Công văn số 301/TTg-PL ngày 6/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.

Đồng thời, các bộ, cơ quan, địa phương tập trung các nguồn lực tổ chức thi hành pháp luật có hiệu quả và tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện pháp luật. Trong quá trình thực thi pháp luật, nếu có vướng mắc, bất cập cần kịp thời báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2022. (Ảnh minh hoạ)

Nội dung các dự án Luật, đề nghị xây dựng luật được trình tại Phiên họp Chính phủ đã cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cam kết quốc tế nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong thực tiễn; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ trong quản lý nhà nước. 

Đối với dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Chính phủ thống nhất với sự cần thiết ban hành dự án Luật. Nội dung của dự án Luật đã cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cam kết quốc tế về công tác phòng, chống rửa tiền. Chính phủ thống nhất thông qua nội dung dự án Luật; giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo hướng được nêu tại Nghị quyết này.

Cụ thể, việc xây dựng dự án Luật phải phù hợp với hệ thống chính trị, điều kiện, bối cảnh của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; khắc phục các vướng mắc, bất cập của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật phải bao quát các lĩnh vực mà các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện hành vi “rửa tiền”, bao gồm cả các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tài chính, tổ chức khác và cá nhân có liên quan.

Về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan, tiếp tục thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành về chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan; việc xây dựng dự án Luật này không làm thay đổi thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan, nhưng cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ về phòng, chống rửa tiền của các bộ, cơ quan phù hợp với chức năng quản lý nhà nước được giao; quy định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp của các bộ, cơ quan trong công tác phòng, chống rửa tiền.

Không quy định vấn đề tổ chức, bộ máy trong dự án Luật theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thống nhất việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 49 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại dự thảo Luật. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng Đề án về cơ quan có chức năng phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Về mở rộng đối tượng báo cáo đối với các hoạt động mới phát sinh nhưng chưa có khung pháp lý điều chỉnh, quy định nguyên tắc trong luật và giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan cần khẩn trương nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các đối tượng mới (nêu trên) đã có hoạt động trong thực tiễn nhưng chưa có khung pháp lý để điều chỉnh.

Về vấn đề cá nhân có ảnh hưởng chính trị (PEP), thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo việc hoàn thiện dự án Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). 

Ngoài ra, Nghị quyết còn đề cập đến các nội dung khác liên quan đến dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; dự án Luật Phòng thủ dân sự; dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật dân số.

P.V