Sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế 

Bộ Tư pháp vừa hoàn thiện dự thảo (lần 2) Nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo Bộ Tư pháp, Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP được ban hành đã góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa vi phạm hành chính, tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đưa các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành năm 2012 (Luật XLVPHC) về áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã phường thị trấn vào cuộc sống. 

Nghị định đã quy định tương đối đầy đủ, cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục lập hồ sơ, ra quyết định, thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện cho lực lượng thực thi công vụ được dễ dàng, thuận lợi, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tuy nhiên, qua 8 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, các nghị định cũng đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc.

Cùng với đó, ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC (Luật số 67/2020/QH14), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022, theo đó, hệ thống các quy định về áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong Luật XLVPHC số 15/2012/QH13 hiện hành đã được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế hiện nay.

Ngoài ra, ngày 30/3/2021, Quốc hội khóa XIV cũng đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy (Luật số 73/2021/QH14), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022, theo đó có một số quy định trong Luật này liên quan đến đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đặc biệt là người sử dụng trái phép chất ma tuý.

Do đó, để xử lý kịp thời những hạn chế, vướng mắc như đã nêu trên, đồng thời, để phù hợp với các quy định của Luật số 67/2020/QH14 và Luật số 73/2021/QH14, thì việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn để thay thế Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP là hết sức cần thiết.

Cũng theo Bộ Tư pháp, dự thảo Nghị định được xây dựng phải bảo đảm tính hợp Hiến, phù hợp với quy định của Luật số 67/2020/QH14 và Luật số 73/2021/QH14; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của nội dung dự thảo Nghị định.

leftcenterrightdel
 Người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cần được đảm bảo quyền và lợi ích. (Ảnh minh họa)

Bảo đảm quyền và lợi ích của những người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; bảo đảm quyền của người chưa thành niên. Đồng thời, kế thừa những quy định còn phù hợp với thực tiễn của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP.

Bổ sung quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với 2 trường hợp

Về nội dung, dự thảo Nghị định gồm 5 chương và 56 điều, trong đó đã bổ sung quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với 2 trường hợp: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 6 tháng về một trong các hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép mà không phải là tội phạm.

Người từ đủ 18 tuổi trở lên đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 6 tháng về một trong các hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép, hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình mà không phải là tội phạm.

Bỏ đối tượng là người nghiện ma túy và bổ sung đối tượng là người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định bổ sung quy định về “Người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách UBND cấp xã có thẩm quyền áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn như Chủ tịch ủy ban nhân dân xã” (khoản 3 Điều 6 dự thảo Nghị định) để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong những trường hợp xã, phường, thị trấn chưa kịp bổ sung chức danh Chủ tịch UBND.

Ngoài ra, đối với quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình, tương tự như biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, để phù hợp với Luật Phòng, chống ma túy, dự thảo Nghị định cũng đã bổ sung quy định về trường hợp người chưa thành niên đang trong thời gian chấp hành biện pháp quản lý tại gia đình mà bị xác định là người nghiện ma túy thì Chủ tịch UBND cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp này sẽ ra quyết định chấp dứt việc áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình và lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, để quy định về việc giao Công an xã thực hiện việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục là người sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định được thực thi hiệu quả, dự thảo Nghị định đã bổ sung một số quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân.

Cụ thể: Bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an (hướng dẫn, tập huấn kỹ năng cho lực lượng Công an cấp xã trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục theo quy định tại Điều 29 Nghị định này); bổ sung trách nhiệm của Trưởng Công an cấp xã (phân công người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục khi được yêu cầu và giám sát việc thực hiện).

P.V