(BVPL) - Ngày 17/10/2014, Viện trưởng VKSNDTC ký quyết định ban hành Quy chế công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố và Quy chế công tác kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra việc tiến hành giám định. Đây là 2 Quy chế quan trọng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra qua đó góp phần giúp Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình…
Tiếp nhận, kiểm tra, xác minh, xử lý kịp thời
Với 7 chương và 29 điều, Quy chế công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nêu rõ, về mục đích, Viện kiểm sát thực hiện công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết của cơ quan có thẩm quyền điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nhằm bảo đảm mọi tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đều phải được tiếp nhận, kiểm tra, xác minh, xử lý kịp thời; không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra phải khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng pháp luật; những vi phạm trong công tác này phải được phát hiện, khắc phục và xử lý nghiêm minh. Về phạm vi, công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố bắt đầu từ khi cơ quan có thẩm quyền điều tra tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, đến khi ra quyết định khởi tố (hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự) và ban hành thông báo kết quả giải quyết theo quy định tại Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự.
Quy chế cũng khẳng định: Khi kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết của cơ quan có thẩm quyền điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn: Kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của cơ quan có thẩm quyền điều tra theo quy định của pháp luật. Định kỳ hoặc bất thường kiểm sát trực tiếp tại Cơ quan điều tra cùng cấp trong việc tiếp nhận, xác minh, lập hồ sơ, thời hạn và kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Kiến nghị, yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục các vi phạm pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra xử lý nghiêm minh cán bộ, Điều tra viên vi phạm pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Giải quyết khiếu, nại tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của các cơ quan có thẩm quyền điều tra. Kiến nghị với cơ quan, tổ chức và đơn vị hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
Khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác, đúng pháp luật
Quy chế công tác kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra việc tiến hành giám định gồm 4 chương, 18 điều. Theo Quy chế, công tác nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi của Viện kiểm sát nhằm xác định có hay không có tội phạm xảy ra để xử lý theo quy định của pháp luật. Mọi trường hợp có người bị giết, nghi bị giết, chết dưới nước, chết treo cổ, chết do độc tố, do hơi độc,do điện giật, chết do tại nạn giao thông, chết do tại nạn lao động và các trường hợp chết khác chưa rõ nguyên nhân đều phải tổ chức khám nghiệm, trưng cầu giám định pháp y và điều tra ban đầu tại hiện trường. Việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và điều tra tại hiện trường phải khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác, đúng pháp luật; những vi phạm pháp luật trong quá trình khám nghiệm phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Thông qua kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét các dấu vết tội phạm, kết quả giám định để xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm hay không có dấu hiệu tội phạm. Các trường hợp sau khi khám nghiệm phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Quy chế còn có các điều cụ thể với các nội dung như: Phạm vi công tác kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra; mục đích công tác kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên trong kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi;…
P.V