Thông tin từ VKSND tỉnh Cà Mau cho biết, năm 2019, VKSND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đã kiểm sát việc nhận dạng đối với 21 vụ, trong đó nhận dạng người 12 vụ, nhận dạng vật 9 vụ (chủ yếu là hung khí gây án, tài sản bị mất trộm…), không có nhận dạng tử thi. Đối với nhận dạng người, có 5 trường hợp nhận dạng trực tiếp, 7 trường hợp nhận dạng qua ảnh (người làm chứng và bị hại yêu cầu được nhận dạng qua ảnh).

leftcenterrightdel
 Nhận dạng người.

Quá trình kiểm sát việc nhận dạng, Kiểm sát viên (KSV) đã kiểm sát chặt chẽ Điều tra viên (ĐTV) thực hiện quy định tại Điều 190 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Theo đó, để thực hiện tốt việc kiểm sát nhận dạng, KSV cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

Một là, KSV cần tham gia kiểm sát nhận dạng để đảm bảo hoạt động này diễn ra đúng thành phần, nội dung và đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định. Sau hoạt động nhận dạng, KSV có thể trao đổi với ĐTV về những vấn đề cần phải chứng minh tiếp theo. Kịp thời báo cáo lãnh đạo Viện những khó khăn, vướng mắc để có hướng xử lý. Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, chủ động đề ra yêu cầu nhận dạng khi xét thấy cần thiết.

Hai là, phối hợp với Cơ quan điều tra chuẩn bị cho hoạt động này như lập kế hoạch nhận dạng, xác định mục đích của việc nhận dạng, đối tượng nhận dạng, người nhận dạng, thời gian, địa điểm tiến hành, người chứng kiến cũng như các phương tiện kỹ thuật cần thiết phục vụ cho việc nhận dạng…. Đối với đối tượng được đưa ra nhận dạng cần phải đảm bảo có bề ngoài tương tự nhau (trừ trường hợp nhận dạng tử thi) để đảm bảo tính khách quan. KSV có thể yêu cầu hay phối hợp với ĐTV lấy lời khai của người nhận dạng để họ có điều kiện nhớ lại những đặc điểm của đối tượng nhận dạng. Đây là cở sở để kiểm tra khả năng nhận dạng của họ cũng như đảm bảo tính khách quan của việc nhận dạng.

Ba là, trong quá trình nhận dạng, KSV cần lưu ý xem xét các vết tích hoặc đặc điểm có khách quan và phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án hay không. Các yếu tố khách quan trong khi họ tri giác đối tượng như ánh sáng, khoảng cách từ vị trí của người nhận dạng đến nơi xảy ra vụ việc; các yếu tố chủ quan trong khi họ tri giác đối tượng...

Bốn là, KSV phải kiểm sát chặt chẽ biên bản nhận dạng, chỉ ký tên vào thành phần tham dự khi biên bản đảm bảo đúng quy định tại Điều 133, 178 và khoản 5 Điều 190 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Nếu biên bản lập không đúng quy định phải kịp thời yêu cầu ĐTV khắc phục. Bản ảnh lưu giữ trong hồ sơ vụ án phải đảm bảo đóng giáp lai đối với từng ảnh, chất lượng hình ảnh phải đảm bảo.

Theo VKSND TP Cà Mau, để tiếp tục đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của Ngành, nâng cao hiệu quả của việc nhận dạng, đảm bảo đây là chứng cứ pháp lý quan trọng để buộc tội bị can, bị cáo, góp phần vào việc chống oan sai bỏ lọt tội phạm thì mỗi KSV cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn.

Đồng thời cần thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra. Có như vậy mới góp phần đảm bảo việc nhận dạng được chặt chẽ, đúng trình tự, làm căn cứ pháp lý vững chắc quyết định xử lý vụ việc, vụ án một cách khách quan toàn diện./.

Ngọc Giàu- Phi Sơn