leftcenterrightdel
Quảng cảnh phiên tòa giả định. 
Sáng ngày 13/12, VKSND thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) phối hợp cùng Trường THPT Cẩm Phả và Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức buổi tuyên truyền phòng chống tội phạm năm học 2021 - 2022, bằng hình thức phiên tòa giả định, xét xử tội phạm “Cố ý gây thương tích” và “Làm nhục người khác”.

Đây là phiên tòa “đặc biệt” do các em học sinh Trường THPT Cẩm Phả trực tiếp diễn xuất, dưới sự hướng dẫn của Kiểm sát viên VKSND thành phố Cẩm Phả.

Phiên toà giả định đã được tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa từ một vụ án có thật. Các bị cáo đều là học sinh, do có mâu thuẫn trong chuyện tình cảm, đã rủ nhau chặn đường, bắt bị hại quỳ xuống xin lỗi, dùng chân tay đánh gây tổn hại 26% sức khỏe và sử dụng máy điện thoại quay phát trực tiếp trên mạng xã hội. Hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích” và “Làm nhục người khác” quy định tại khoản 1 Điều 134 và điểm e khoản 2 Điều 155 Bộ luật hình sự.

leftcenterrightdel
Các học sinh tập "diễn xuất" làm bị hại và bị cáo. 

VKSND thành phố Cẩm Phả đã chủ động xây dựng kịch bản; các vai nhân vật trong vụ án như Hội đồng xét xử, các bị cáo, bị hại… từ ngoại hình đến trang phục, tác phong, kỹ năng giao tiếp, nhất là nội dung tham gia xét hỏi, trình bày bản luận tội, bài phát biểu của Kiểm sát viên… đều được Lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên chuẩn bị rất kỹ càng và hướng dẫn các em học sinh tập luyện.

Quá trình diễn ra phiên tòa giả định, các tình tiết trong vụ án đã thực sự lôi cuốn đối với các em học sinh, giáo viên và mọi người tham dự. Các “vai diễn”, nhất là vai “bị cáo” được lựa chọn đảm bảo phù hợp với tâm lý, sự hiểu biết pháp luật của các em học sinh tham dự tại phiên tòa.

Bên cạnh đó, phát biểu luận tội của đại diện Viện kiểm sát, các ý kiến của Hội đồng xét xử đã giúp các em học sinh cùng những người tham dự phiên tòa nhận thức rõ, hành vi cố ý gây thương tích và làm nhục người khác là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác được pháp luật bảo vệ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

leftcenterrightdel
Phiên tòa thu hút học sinh theo dõi. 

Trước những lập luận sắc bén, có lý, có tình của Kiểm sát viên, “các bị cáo” đã nhận thức đầy đủ hành vi vi phạm của bản thân, thực sự ăn năn, hối cải và mong muốn có cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Trên cơ sở tính chất, mức độ vi phạm và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên các mức án phù hợp với tính chất, mức độ hành vi của các bị cáo, có tính răn đe và phòng ngừa chung tội phạm.

Sau phiên tòa giả định, các em học sinh được truyền đạt những kiến thức về pháp luật, các em hiểu rõ hơn nguyên nhân, tác hại của tệ nạn bạo lực học đường. Ðây là là hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, qua đó đã tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Giám hiệu và các em học sinh. 

Phiên tòa giả định góp phần tuyên truyền Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, đồng thời cũng là hoạt động thiết thực, bổ ích, góp phần tạo môi trường học tập cho các em học sinh nhà trường. Qua đó, giúp các em hiểu rõ hơn về hậu quả, tác hại các tệ nạn xã hội, từ đó giúp mỗi em học sinh nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình, đồng thời, có những hành động thiết thực, cụ thể để trở thành một công dân có ích cho xã hội.

Hải Hà