Chiều 18/10/2022, tại trụ sở VKSND cấp cao tại TP HCM đã diễn ra buổi Tọa đàm “Giới thiệu chức năng và nhiệm vụ của VKSND cấp cao tại TP HCM và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên Khoa Luật của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM”.

Đây là dịp tốt giúp cho các sinh viên khoa Luật có cơ hội nắm bắt được kiến thức và trải nghiệm nghề Luật trong thực tế, qua đó nâng cao nhận thức về pháp luật giúp định hướng rõ ràng hơn về việc lựa chọn các nghề nghiệp tương lai nói chung và chuyên ngành kiểm sát nhân dân nói riêng.

Dự buổi Tọa đàm có đồng chí Nguyễn Thế Thành - Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP HCM, Thạc sĩ Hồ Mỹ Hạnh và Thạc sĩ Phạm Huỳnh Bảo Oanh là Giảng viên Khoa Luật của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM (UEF), cùng 50 sinh viên Khoa Luật của Nhà trường.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi Tọa đàm “Giới thiệu chức năng và nhiệm vụ của VKSND cấp cao tại TP HCM và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên Khoa Luật của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM” ( Ảnh: Hồng Việt )

Để giúp các sinh viên hiểu rõ hơn về ngành Kiểm sát nhân dân, Ban Tổ chức đã giới thiệu chi tiết về cơ cấu tổ chức bộ máy VKSND cấp cao tại TP HCM, bao gồm: "Ủy ban Kiểm sát" thành phần là các đồng chí lãnh đạo VKSND cấp cao và một số cán bộ lãnh đạo các đơn vị trực thuộc; 5 đơn vị thuộc VKSND cấp cao là Văn phòng và 4 Viện nghiệp vụ chuyên ngành “Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử” về các vụ án hình sự; các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình; kinh tế; hành chính.

Các học viên cũng được giới thiệu về chức trách của Kiểm sát viên khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp được quy định tại các Bộ luật, Luật tố tụng và một số văn bản quy phạm pháp luật, cũng như quy định của Viện trưởng VKSND tối cao.

Hiện nay chức danh KSV gồm có 4 ngạch: KSV VKSND tối cao, KSV cao cấp, KSV trung cấp và KSV sơ cấp (tương ứng với 4 cấp Kiểm sát). Như vậy, muốn thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền của VKS cấp nào thì KSV phải giữ ngạch tương ứng, ví dụ: KSV sơ cấp có thể thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đối với án thuộc thẩm quyền của VKSND cấp huyện; KSV trung cấp có thể thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đối với án thuộc thẩm quyền của VKSND cấp tỉnh, thành phố; KSV cao cấp có thể thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đối với án thuộc thẩm quyền của VKSND cấp cao; KSV VKSND tối cao có thể thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đối với án thuộc thẩm quyền của VKSND tối cao.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Thế Thành - Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP HCM ( thứ 2 từ trái sang) - người "truyền lửa" cho sinh viên khoa Luật (UEF) về vai trò, trách nhiệm của người KSND trong nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét  xử. ( Ảnh: Hồng Việt )

Ban Tổ chức đã nhận được nhiều câu hỏi trực tiếp của sinh viên về nhiều lĩnh vực, như: tiêu chuẩn và điều kiện để vào công tác trong ngành KSND; vai trò, chức trách của KSV trong mối quan hệ xã hội, công tác với những ngành nghề khác; hành trang kiến thức và những khó khăn, nguy hiểm mà KSV thường phải đối mặt; áp lực về công việc; và những yếu tố cần thiết để giúp cá nhân phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Các sinh viên khoa Luật (UEF) với những câu hỏi về đặc thù nghề nghiệp của KSV, những khó khăn, thuận lợi thường gặp trong hoạt động tố tụng. ( Ảnh : Hồng Việt )

Đồng chí Nguyễn Thế Thành - Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP HCM đã lần lượt trả lời thỏa đáng từng câu hỏi của sinh viên, đồng thời ông cũng trải lòng bằng những câu chuyện đáng nhớ trong quá trình làm KSV trong những vụ án điều tra dấu vết của sự thật, những gian nan thách thức trong sứ mệnh bảo vệ công lý, danh dự, phẩm giá con người, phát hiện oan sai trong từng vụ án, hay tinh thần kiên quyết đấu tranh với tội phạm, hành vi sai trái trong tố tụng, tìm bằng chứng để chống bỏ lọt tội phạm… mà hàng chục năm qua ông đã từng trải trong ngành Kiểm sát.

Từ những câu chuyện và thân phận mỗi một con người trong từng vụ án, đồng chí Nguyễn Thế Thành - Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP HCM cho rằng, mỗi KSV hay bất kể một ai hoạt động trong lĩnh vực pháp luật thì cần phải có động cơ trong sáng, vì lẽ phải và sự tiến bộ chung của xã hội.

Với sinh viên, để thành công trong sự nghiệp tương lai thì rất cần phải có khát vọng, tinh thần cầu tiến và thể hiện được năng lực bản thân. Khi sinh viên muốn tiến thân vào ngành KSND, thì cần phải hiểu nằm lòng và kiên định thực hành theo lời dạy của Hồ Chủ tịch đối với lực lượng KSND, là: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn”. Đây là những phẩm chất quan trọng hàng đầu làm điểm tựa của sự nghiệp đầy vinh quang và tự hào của người khoác chiếc áo màu thiên thanh ngành KSND.

leftcenterrightdel
Đại diện Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM trao Thư Cảm ơn đến lãnh đạo VKSND cấp cao tại TP HCM đã tạo điều kiện cho các sinh viên có dịp trải nghiệm và thu nhận kiến thức bổ ích qua buổi Tọa đàm. ( Ảnh: Hồng Việt )
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Những khoảnh khắc đáng nhớ trong hành trình "Một ngày trải nghiệm, một nghề Luật" của sinh viên chuyên ngành Luật tại VKSND cấp cao tại TP HCM ( Ảnh: Hồng Việt )

Ngay sau nội dung buổi tọa đàm đầy ấn tượng, các sinh viên được trực tiếp tham quan các phòng nghiệp vụ của VKSND cấp cao tại TP HCM và gặp gỡ các công chức, cán bộ lãnh đạo từng đơn vị chuyên ngành.

Được biết, VKSND cấp cao tại TP HCM thường xuyên phối hợp với các trường đại học tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về ngành KSND của sinh viên chuyên ngành Luật, giúp cho các bạn có cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp để định hướng rõ ràng hơn, chuẩn bị tốt hơn trong sự lựa chọn nghề nghiệp sau khi ra trường.

Phi Sơn - Hồng Việt