Tham dự Hội nghị có các đồng chí thành viên Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của Ngành; thủ trưởng, chủ tài khoản, chủ đầu tư, kế toán trưởng một số đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh cùng tập thể lãnh đạo cấp vụ và lãnh đạo cấp phòng thuộc Cục Kế hoạch - Tài chính (Cục 3), VKSND tối cao…
|
|
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao. |
Cùng dự Hội nghị có các báo cáo viên, chuyên gia đến từ các Cục, Vụ thuộc Bộ xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hà, Cục trưởng Cục 3, VKSND tối cao cho biết, công tác Kế hoạch - Tài chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Ngành mà Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đặc biệt quan tâm, thường xuyên chỉ đạo sát sao để bảo đảm nguồn kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của toàn Ngành và quản lý, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực được giao.
|
|
Đồng chí Nguyễn Văn Hà, Cục trưởng Cục 3, VKSND tối cao phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Trong hơn 2 năm đầu giai đoạn phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh và xung đột quân sự trên thế giới nhưng đây là giai đoạn với vị thế, uy tín và trọng trách của ngành Kiểm sát ngày càng tăng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm hơn nên vốn đầu tư công, định mức chi thường xuyên tăng cao hơn giai đoạn trước trước; nhiều trụ sở được quan tâm đầu tư xây mới; trang thiết bị, phương tiện làm việc từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những khó khăn, hạn chế cần tiếp tục phải có giải pháp để khắc phục, nhất là công tác quản lý đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công; dự báo ngân sách những năm cuối giai đoạn này vẫn còn khó khăn.
Để tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách nhà nước được giao, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị để đánh giá, nhìn nhận lại những kết quả đạt được về công tác Kế hoạch - Tài chính giai đoạn 2021-2023, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, từ đó có các giải pháp khắc phục kịp thời, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của những năm cuối giai đoạn để sớm có kế hoạch cụ thể triển khai trong toàn Ngành (xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030; xây dựng định mức chi thường xuyên thời kỳ ổn định ngân sách mới; xây dựng các đề án tăng cường cơ sở vật chất …).
|
|
Các điểm cầu tại Hội nghị. |
Hội nghị đã nghe báo cáo kết quả công tác kế hoạch - tài chính giai đoạn 2021-2023. Theo đó, trong những năm đầu giai đoạn 5 năm 2021-2025, mặc dù ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 và xung đột quân sự trên thế giới nhưng nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Ngành năm sau cao hơn năm trước, trong đó kinh phí cho hoạt động đặc thù tăng, nhiều trụ sở được quan tâm đầu tư xây mới, trang thiết bị và phương tiện làm việc được tăng cường đã góp phần quan trọng để ngành Kiểm sát hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao
Kết quả đạt được thể hiện trên các mặt công tác như: Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của Ngành giai đoạn 2021-2025 tăng hơn giai đoạn 2016-2020; định mức chi thường xuyên cho thời kỳ ổn định ngân sách mới của Ngành giai đoạn 2022-2025 tăng hơn so với giai đoạn trước; kinh phí chi thường xuyên tăng lên sau từng năm.
Bên cạnh đó, để tăng thêm nguồn kinh phí ngoài định mức chi thường xuyên, VKSND tối cao đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ quan tâm cấp kinh phí thực hiện các đề án để tăng cường nguồn kinh phí và cơ sở vật chất cho hoạt động của toàn Ngành; ban hành mới quy mô xây dựng trụ sở làm việc; tiêu chuẩn, định mức phương tiện làm việc và trang thiết bị chuyên dùng; đẩy mạnh phân cấp trong quản lý, sử sụng tài chính, tài sản công và các giải pháp nhằm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài chính.
Mặt khác, VKSND tối cao đã tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; đẩy mạnh triển khai việc sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất (gồm cả mới và cũ) trong Ngành; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác xét duyệt, thẩm định quyết toán ngân sách hàng năm; hoàn thành thẩm tra, quyết toán dự án đầu tư xây dựng trụ sở VKSND tối cao tại số 9 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công tác kế hoạch – tài chính và tham gia ý kiến, đề xuất sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia, báo cáo viên thuộc các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình bày nội dung tập huấn về công tác quản lý đầu tư xây dựng với 3 chuyên đề. Cụ thể, Chuyên đề 1: Lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; Lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật; Thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; Thẩm định tổng mức đầu tư, dự toán, quản lý chi phí đầu tư, quản lý hợp đồng thi công xây dựng; Công tác nghiệm thu, quản lý chất lượng công trình.
|
|
Ông Bùi Văn Dưỡng, Phó Cục trưởng Cục quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng trình bày nội dung tập huấn. |
Chuyên đề 2: Lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, triển khai công tác lựa chọn nhà thầu.
Chuyên đề 3: Lập, thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành; Thanh quyết toán vốn đầu tư công.
Hội nghị cũng nghe các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia thuộc các Cục, Vụ của Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Cục Kế hoạch - Tài chính VKSND tối cao giải đáp những nội dung còn khó khăn, vướng mắc, từ đó giúp thủ trưởng các đơn vị có dự án đầu tư, chủ đầu tư dự án, thành viên tổ thẩm định, tổ giúp việc nắm rõ hơn, sâu hơn về quy định, quy trình, thủ tục, từ đó triển khai các dự án đầu tư bảo đảm đúng quy định của pháp luật, quy định của Ngành, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công được giao.
Phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Hội nghị tập huấn công tác quản lý đầu tư năm 2023 trong ngành Kiểm sát nhân dân đã hoàn thành nội dung theo chương trình đề ra.
|
|
Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị. |
Điểm lại những kết quả đạt được trong công tác Kế hoạch - Tài chính giai đoạn 2021-2023; đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao cho rằng, bên cạnh việc tiếp thu các nội dung tập huấn tại Hội nghị, các đơn vị cần xem Bộ tài liệu tập huấn làm cẩm nang để nghiên cứu, triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, giai đoạn từ nay đến năm 2025 là giai đoạn cuối thời kỳ ổn định ngân sách 5 năm 2021-2025, việc chủ động chuẩn bị xây dựng, đề xuất và bảo vệ dự toán ngân sách nhà nước cho Ngành của giai đoạn 5 năm tiếp theo 2026-2030 là nhiệm vụ rất quan trọng, cùng với đó là yêu cầu ngày càng cao về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, về tăng cường công tác quản, sử dụng tài chính, tài sản công để tránh vi phạm.
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu, sau Hội nghị, Cục Kế hoạch – Tài chính VKSND tối cao tiếp thu và tổng hợp các ý kiến để giải đáp bằng văn bản gửi tất cả các đơn vị dự toán trong Ngành thống nhất thực hiện. Thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới trong các lĩnh vực Tài chính để tiếp tục hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị dự toán trong Ngành kịp thời thực hiện.
Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo VKSND tối cao trong việc đôn đốc, thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công của toàn Ngành. Tham mưu cho lãnh đạo VKSND tối cao xây dựng, đề xuất với các cấp có thẩm quyền về Kế hoạch đầu tư công trung hạn; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước thời kỳ ổn định ngân sách mới và xây dựng các đề án kế tiếp cho giai đoạn 2026-2030 để bảo đảm nguồn kinh phí cho hoạt động của Ngành; Nghiên cứu, đổi mới chính sách, chế độ tiền lương và đề xuất cơ chế bảo đảm hoạt động phù hợp với đặc thù thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong tình hình mới.
Cùng với đó, đơn vị cần phối hợp các bộ, ngành và địa phương trong việc sắp xếp, xử lý nhà, đất và triển khai các dự án đầu tư trong Ngành. Tham mưu cho lãnh đạo VKSND tối cao tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư; thực hiện giám sát đầu tư và kiểm tra đấu thầu; kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 1/12/2022 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác quản lý tài chính, tài sản công.
Đồng thời, xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm; tổng kết 5 năm giai đoạn 2021-2025 thực hiện chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ.
Đối với các đơn vị dự toán, thủ trưởng đơn vị, thủ trưởng đơn vị có dự án đầu tư, chủ đầu tư dự án tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 1/12/2022 của Viện trưởng VKSND tối cao và các quy định về phân cấp, ủy quyền của Viện trưởng VKSND tối cao trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản.
Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Viện trưởng VKSND tối cao về thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công gắn với việc gắn với việc tuân thủ các trình tự thủ tục về đầu tư, đấu thầu và phân cấp, uỷ quyền theo quy định của Nhà nước và của Ngành, bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Thủ trưởng các đơn vị dự toán trực thuộc VKSND tối cao trong phạm vi quản lý của mình, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý ngân sách, tài sản công được giao; tăng cường công tác kiểm tra và tự kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, sử dụng kinh phí, tài sản công sai mục đích, không đúng quy định, gây thất thoát, lãng phí.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo VKSND tối cao, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao trân trọng cảm ơn sự quan tâm, phối hợp của các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia đến từ các Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã tâm huyết, trách nhiệm để truyền đạt những nội dung cơ bản, quan trọng về công tác quản lý đầu tư đến các đơn vị trong Ngành; đồng thời, biểu dương sự tham gia đầy đủ, đúng thành phần của chủ đầu tư dự án, thủ trưởng các đơn vị dự toán, các đại biểu dự Hội nghị cũng như tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương, trách nhiệm của các đơn vị tổ chức (Cục Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng, Cục Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin) và các đơn vị liên quan để Hội nghị được tổ chức thành công.