Gia tăng tranh chấp hợp đồng tín dụng

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Cùng với sự phát triển nền kinh tế, nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao, theo đó, tranh chấp hợp đồng tín dụng (HĐTD) ngày càng phát sinh nhiều, với diễn biến phức tạp cả về tính chất, quy mô. Để giải quyết hiệu quả tranh chấp HĐTD, các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ yếu lựa chọn biện pháp tố tụng thông qua Tòa án.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, cho biết: Với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, thời gian qua, VKSND các cấp đã phối hợp với TAND các cấp về cơ bản giải quyết các vụ án tranh chấp HĐTD đúng pháp luật, kịp thời; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Sự phối hợp tốt giữa VKSND và TAND cũng như giữa Kiểm sát viên và Thẩm phán đã góp phần hạn chế được nhiều sai sót trong quá trình tiến hành giải quyết vụ án.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu điều hành phần thảo luận tại Hội thảo.

Theo ông Đoàn Văn Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ 10, VKSND tối cao, số liệu khảo sát tình hình thụ lý, giải quyết vụ án KDTM về tranh chấp HĐTD từ 63 VKSND cấp tỉnh trong 4 năm (2016 - 2021) cho thấy, số lượng án thụ lý, giải quyết ở các cấp đều tăng, năm sau cao hơn năm trước và luôn chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 30% đến 40%) trong số các vụ kinh doanh thương mại (KDTM) nói chung.

VKSND các cấp đã kiểm sát việc giải quyết hàng ngàn vụ án KDTM về “Tranh chấp HĐTD” của TAND kịp thời, đúng pháp luật; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự; đồng thời phát hiện kịp thời những vi phạm, thiếu sót của Tòa án, TCTD, người vay vốn, người liên quan khác để thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị khắc phục vi phạm và phòng ngừa.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Cũng theo ông Thắng: Riêng đối với các hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ án KDTM về tranh chấp hợp đồng tín dụng, VKSND tối cao (Vụ 10) đã ban hành Hướng dẫn số 25/HD- VKSTC ngày 18/4/2022 về một số nội dung kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giúp cho Kiểm sát viên, công chức nhận diện những đặc trưng của loại án tranh chấp hợp đồng tín dụng, những dạng vi phạm phổ biến như: Xác định sai tư cách đương sự, người vay, người liên quan khác và tòa án.

Đối với việc vi phạm thời hạn giải quyết vụ án quy định tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) thì VKSND căn cứ Điều 21 BLTTDS thực hiện quyền kiến nghị khắc phục vi phạm. Những vi phạm đó thường là: Bỏ sót người tham gia tố tụng; Xác định việc phạt vi phạm không đúng; Không xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản bảo đảm; Việc tuyên hợp đồng thế chấp bị vô hiệu không đúng; Vụ án có dấu hiệu hình sự nhưng vẫn giải quyết theo tố tụng dân sự…

Phối hợp tháo gỡ vướng mắc

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi về những vi phạm phổ biến của tổ chức tín dụng, người vay, người liên quan, hay các Bản án/Quyết định của Tòa án chưa đảm bảo quy định pháp luật. Theo đó, việc xảy ra tranh chấp hợp đồng tín dụng thường do bên vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán; chiếm dụng vốn vào mục đích khác; khai báo không trung thực về tài sản đảm bảo; cố tình che giấu địa chỉ… hoặc đối với tài sản bảo đảm thuộc về sở hữu của bên thứ ba không chấp hành thi hành án khi người vay vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.

Các tổ chức tín dụng cũng chưa đánh giá toàn diện về khả năng trả nợ của khách hàng, tính hiệu quả của phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc không quan tâm doanh nghiệp sử dụng vốn làm gì. Vay vốn có đúng mục đích như trong phương án sản xuất kinh doanh không. Thậm chí, có những tổ chức tín dụng còn chủ quan trong việc thẩm định giá tài sản, tức thẩm định không đúng với giá trị thực có của tài sản thế chấp, hoặc không đi thẩm định tài sản…

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội thảo.

Khi phát sinh tranh chấp hợp đồng tín dụng, các bên có quyền lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trung tâm trọng tài thương mại. Phương thức tranh chấp của các tổ chức tín dụng hiện nay chủ yếu lựa chọn giải quyết thông qua con đường Tòa án. Thông qua quá trình tiến hành tố tụng, Viện kiểm sát đã góp phần quan trọng trong việc phát hiện những vi phạm của Tòa án, như: Bỏ sót người tham gia tố tụng; xác định phạt vi phạm không đúng.

Có trường hợp, khi người vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán, tổ chức tín dụng chuyển sang lãi quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn, ngoài ra, còn có tổ chức tín dụng phạt vi phạm đối với việc quá hạn thanh toán. Cho thấy, cách phạt này mang tính chất, phạt chồng phạt, lãi chồng lãi. Khi phát sinh tranh chấp, Tòa án căn cứ theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng công nhận điều khoản này, dẫn đến đưa ra Quyết định/ Bản án không đúng, Viện kiểm sát đã kịp thời phát hiện, ban hành kháng nghị…

Hội thảo đã ghi nhận 23 tham luận, thảo luận những vấn đề có liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng tín dụng, như: vi phạm về thời hạn giải quyết; việc trả lại đơn khởi kiện, thụ lý vụ án, thẩm quyền thu thập tài liệu, chứng cứ của Viện kiểm sát, việc cấp tống đạt, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

Trong đó, có 9 tham luận của các đơn vị Viện kiểm sát, 11 tham luận của tổ chức tín dụng, 3 tham luận của các đơn vị liên quan. Các ý kiến tham luận đã tập trung giải đáp những vướng mắc về việc vi phạm trong ký kết, thực hiện hợp đồng tín dụng, ký kết thực hiện giao dịch bảo đảm dẫn đến tranh chấp hợp đồng; xử lý tài sản bảo đảm thông qua công tác kiểm sát việc thi hành án đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng; xử lý nợ xấu...

leftcenterrightdel
 Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo.

Theo đại diện VKSND tối cao, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường phối hợp với TAND, VKSND trong việc tổ chức các hội thảo, hội nghị, ký quy chế phối hợp trong việc cung cấp thông tin, phối hợp giải quyết những vấn đề còn có nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác này. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT, Bộ Tư pháp, UBND các cấp, Tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án… trong việc cung cấp thông tin, quản lý chặt chẽ về tình trạng pháp lý đối với tài sản bảo đảm và việc xử lý tài sản bảo đảm.

Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng tín dụng

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Duy Giảng - Phó Viện trưởng VKSNDTC nhấn mạnh, đây là hội thảo có quy mô lớn, nội dung phong phú, phức tạp, thu hút sự quan tâm của các bên liên quan.

Phó Viện trưởng VKSNDTC yêu cầu Viện trưởng VKSND các cấp tổ chức nghiên cứu tài liệu, lưu ý những dạng vi phạm phổ biến, những kinh nghiệm trong công tác này nhằm hạn chế thấp nhất những vi phạm, có kế hoạch, giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại, tăng cường thông báo rút kinh nghiệm đối với việc kiểm sát giải quyết loại án này, có biện pháp hiệu quả nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các tranh chấp HĐTD, bảo đảm đúng thời hạn tố tụng, chính xác, đúng pháp luật ngay từ những giai đoạn tố tụng đầu tiên; lưu ý những kiến nghị xác đáng từ phía TCTD trong công tác kiểm sát. Thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị kịp thời để khắc phục vi phạm.

Phó Viện trưởng VKSND tối cáo cũng đề nghị NHNN, VNBA tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với VKSND tối cao trong việc trao đổi thông tin, xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật về tín dụng. Một số vướng mắc, bất cập trong các văn bản pháp luật có liên quan được nêu tại Hội thảo cần được lưu ý trong quá trình xây dựng Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) do NHNN đang chủ trì và các văn bản pháp luật có liên quan.

 

 

 

Nhóm PV