|
|
TS.Nguyễn Quốc Hân phát biểu chủ trì buổi hội thảo. |
Tham dự hội thảo gồm có: TS.Nguyễn Quốc Hân, Hiệu trưởng Trường Đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP HCM (Trường Nghiệp vụ), chủ trì hội thảo; Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10) Nguyễn Tá Cơ; cùng lãnh đạo VKSND các địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, TS.Nguyễn Quốc Hân cho biết, trong các Chỉ thị, kế hoạch công tác trọng tâm của ngành luôn xác định nhiệm vụ thực hiện quyền kháng nghị, quyền kiến nghị là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND, đặc biệt là Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 6/4/2016; Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 6/8/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính.
|
|
TS.Nguyễn Gia Viễn, Kiểm sát viên cao cấp VKSND cấp cao tại TP HCM phát biểu tại hội thảo. |
Theo TS.Nguyễn Quốc Hân, để bảo đảm cho công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát các cấp đã làm tốt công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: một số vi phạm của Tòa án chưa được Viện kiểm sát phát hiện để thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị, số lượng kháng nghị, kiến nghị có xu hướng giảm, chất lượng của một số kháng nghị chưa đạt yêu cầu...
“Hội thảo hôm nay sẽ là cầu nối gắn kết thực tiễn công tác kiểm sát với công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm, kỹ năng nghề nghiệp cho Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự trong ngành Kiểm sát”, TS.Nguyễn Quốc Hân nhấn mạnh.
Theo đồng chí Phan Ngọc Khanh, Trưởng Phòng 10 - VKSND TP HCM, giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác kháng nghị, kiến nghị cần phải tăng cường công tác lãnh đạo của Viện trưởng VKSND các cấp đối với công tác kiểm sát án hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động. Chú trọng công tác cán bộ, phân công cán bộ, Kiểm sát viên có nhiều kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu trong công tác này để phân bổ cho phù hợp. Đồng thời VKSND tối cao có ý kiến đóng góp để hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng dân sự và tố tụng hành chính.
|
|
Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Văn Chiến phát biểu. |
“Chú trọng trong công tác tổng kết rút kinh nghiệm chung trong toàn ngành, kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ và trả lời thỉnh thị của Viện kiểm sát cấp dưới trong lĩnh vực án hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động”, Trưởng Phòng 10 VKSND TP HCM trình bày.
Tại hội thảo, TS.Nguyễn Gia Viễn, Kiểm sát viên cao cấp VKSND cấp cao tại TP HCM cho rằng, để nâng cao chất lượng kiến nghị, kháng nghị trong lĩnh vực dân sự nhằm tăng cường vai trò, vị trí của Viện kiểm sát trong vấn đề này, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp cả về hoạt động nghiệp vụ lẫn về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Ngoài ra, cần chú trọng tăng cường công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát các cấp cũng như giữa Viện kiểm sát với Toà án.
“Một phần không thể thiếu là phải thực hiện tốt các nhóm giải pháp về công tác cán bộ như sử dụng cán bộ đúng vị trí, sở trưởng công tác cũng như liên tục đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong toà Ngành”, TS.Nguyễn Gia Viễn cho hay.
Trong khi đó, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Văn Chiến, cho rằng hiện nay trong thực tiễn áp dụng Điều 60, Điều 157, Điều 158 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 còn có nhận thức khác nhau giữa cơ quan, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng nên dẫn đến việc thi hành chưa được thống nhất, gây khó khăn trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính.
|
|
Các đại biểu tham dự buổi hội thảo. |
“Tôi lấy một ví dụ về vụ án hành chính có Chủ tịch UBND huyện ủy quyền cho Phó Chủ tịch tham gia tố tụng; tuy nhiên, Phó Chủ tịch đã không tham gia đối thoại và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt khi chưa có sự đồng ý của người ủy quyền. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên và Hội đồng xét xử có quan điểm khác nhau về cách xử lý vấn đề này.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên căn cứ khoản 3 Điều 60 Luật TTHC năm 2015 đề nghị HĐXX không chấp nhận đơn đề nghị xét xử vắng mặt của Phó Chủ tịch UBND vì không có căn cứ, trái pháp luật. Ngược lại, HĐXX cho rằng do người đại diện theo ủy quyền có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt nên áp dụng Điều 158 Luật TTHC năm 2015, không chấp nhận ý kiến đề nghị của Kiểm sát viên mà tiến hành xét xử vắng mặt người bị kiện.
Do đó, chúng tôi kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các Điều 60, 157, 158 Luật TTHC năm 2015 để cơ quan và người tến hành tố tụng vụ án hành chính thi hành được thống nhất, bảo đảm quyền lợi của người tham gia tố tụng”, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng cho hay.
Tại hội thảo, VKSND các tỉnh: Thanh Hóa, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã trình bày tham luận “Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác kháng nghị, kiến nghị đối với bản án, quyết định dân sự, hành chính”. Các tham luận là những kinh nghiệm thực tiễn, những giải pháp, biện pháp quý báu giúp cho Trường Nghiệp vụ xây dựng chương trình bồi dưỡng, để phục vụ có hiệu quả cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự nói chung và công tác thực hiện quyền kháng nghị, quyền kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính nói riêng./.