Tham dự hội thảo có đại diện UNICEF tại Việt Nam; đại diện Bộ Công an, TAND tối cao, Bộ Tư pháp... cùng đại diện lãnh đạo, công chức một số đơn vị thuộc VKSND tối cao...
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức hội thảo nhằm đáp ứng đòi hỏi của tình hình thực tiễn hiện nay. Đồng thời, cảm ơn tổ chức UNICEF đã hỗ trợ, phối hợp để VKSND tối cao tổ chức hội thảo này.
Đồng chí cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em (năm 1990). Để thực hiện các quyền trẻ em theo yêu cầu của Công ước, các quốc gia thành viên ngoài việc thường xuyên rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, hệ thống chính sách thì một trong những giải pháp hết sức quan trọng là phải theo dõi tình hình trẻ em một cách có hệ thống, trong đó có việc thu thập, phân tích, quản lý và chia sẻ số liệu, thông tin thống kê thông qua Hệ thống dữ liệu của Quốc gia.
|
|
Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại hội thảo |
Điều này cũng nhằm giải quyết nội dung mà Ủy ban quyền trẻ em của Liên Hợp quốc khuyến nghị đó là, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống thu thập số liệu tập trung với các chỉ số quyền trẻ em được chuẩn hóa, được chia sẻ giữa các bộ, ngành. Số liệu thu thập phải được phân tích để làm cơ sở đánh giá thành tựu trong xây dựng chính sách, chương trình để thực hiện Công ước Quyền trẻ em.
Đối với VKSND tối cao, Cục 2 - VKSND tối cao có trách nhiệm giúp Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì thống kê tội phạm và phối hợp với các cơ quan khác trong việc thống kê hình sự. Mặc dù được xác định là công tác quan trọng, tuy nhiên, thời gian qua, việc thu thập, quản lý, phân tích và chia sẻ các số liệu này vẫn còn chưa đầy đủ và hệ thống, chưa đáp ứng được yêu cầu như mong muốn.
Do đó, theo đồng chí Phó Viện trưởng, mục đích tổ chức hội thảo nhằm đánh giá lại những kết quả đạt được trong việc thực hiện công tác rà soát, thu thập, phân tích, quản lý và chia sẻ số liệu về người chưa thành niên phạm tội và bị xâm hại thời gian qua; chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đưa ra các đề xuất, biện pháp thiết thực nhằm tăng cường thu thập, phân tích, quản lý và chia sẻ số liệu về người chưa thành niên phạm tội và bị xâm hại trong thời gian tới, từ đó góp phần giúp cho việc đánh giá có cơ sở, đầy đủ, khách quan, toàn diện về tình hình, thực trạng bảo vệ quyền trẻ em.
Tại hội thảo, đại diện Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin VKSND tối cao (Cục 2) đã trình bày Báo cáo rà soát tình hình thu thập, phân tích, quản lý và chia sẻ số liệu về người chưa thành niên phạm tội và bị xâm hại của ngành KSND.
Theo đó, ở Việt Nam ước tính mỗi năm có khoảng 80.000 người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật, bao gồm 18.000 người vi phạm pháp luật, 2.000 người chưa thành niên là người bị hại trong các vụ án hình sự và khoảng hơn 60.000 người chưa thành niên có liên quan đến các vụ việc hôn nhân và gia đình.
Việc thống kê số liệu về những nhóm người chưa thành niên này hiện nay do nhiều cơ quan cùng tiến hành, trong đó VKSND tối cao đóng vai trò hết sức quan trọng với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì thống kê tội phạm.
|
|
Đồng chí Trần Văn Trung, Cục trưởng Cục 2 - VKSND tối cao điều hành tham luận |
Ngoài ra, Báo cáo cũng đề cập đến nội dung rà soát sơ bộ các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến thu thập và quản lý số liệu về người chưa thành niên phạm tội và bị xâm hại.
Thực trạng trạng tình hình thu thập, phân tích, quản lý và chia sẻ số liệu về người chưa thành niên phạm tội và bị xâm hại trong ngành KSND hiện nay, trên cơ sở phân tích các số liệu thống kê tội phạm của ngành Kiểm sát từ năm 2014 đến năm 2018.
Đồng thời, đưa ra nhận xét, đánh giá và các khuyến nghị nhằm tăng cường cơ sở dữ liệu thống kê về bảo vệ người chưa thành niên ở Việt Nam trong thời gian tới.
Cũng tại hội thảo, dưới sự điều hành của đồng chí Trần Văn Trung, Cục trưởng Cục 2 - VKSND tối cao, các đại biểu đã phát biểu góp ý đối với Báo cáo rà soát tình hình thu thập, phân tích, quản lý và chia sẻ số liệu về người chưa thành niên phạm tội và bị xâm hại trong ngành KSND.
Đồng thời nghe một số ý kiến phát biểu liên quan đến thực trạng thu thập, quản lý số liệu về người chưa thành niên vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính và sự cần thiết phải hình thành một hệ thống thu thập, quản lý số liệu chung về người chưa thành niên vi phạm pháp luật; khả năng đáp ứng nhu cầu thu thập số liệu, thông tin thống kê về người chưa thành niên bị xâm hại trong hồ sơ vụ án hình sự hiện nay…