|
|
Vụ trưởng Vụ 13 Vũ Thị Hải Yến cho biết, hoạt động TTTP về hình sự ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giải quyết tốt các vụ án hình sự trong nước có yếu tố nước ngoài. |
Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị VKSND tối cao, một số VKSND các tỉnh, thành phố; ông Kitajima Ryozo, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Hình sự Bộ Tư pháp Nhật Bản; ông Kono Ryuzo, Cố vấn trưởng Dự án JICA;
Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ 13 Vũ Thị Hải Yến cho biết, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008. Đây là văn bản pháp luật quan trọng điều chỉnh quan hệ pháp luật về tương trợ tư pháp hình sự ở Việt Nam. Theo quy định của Luật, VKSND tối cao thực hiện nhiệm vụ là Cơ quan trung ương trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự.
Qua gần 15 năm triển khai thực hiện Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, với vai trò là cơ quan Trung ương trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, VKSND tối cao Việt Nam đã nhận được sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các Cơ quan thực thi pháp luật trong nước và nước ngoài trong hoạt động tương trợ tư pháp (TTTP) hình sự. Với sự hỗ trợ tích cực của cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp hình sự của các nước, trong đó có Nhật Bản, hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. góp phần giải quyết tốt các vụ án hình sự trong nước có yếu tố nước ngoài; qua đó, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
|
|
Ông Kono Ryuzo, Công tố viên, Cố vấn trưởng Dự án JICA Pháp luật bày tỏ, hi vọng công tác TTTP giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng hiệu quả hơn. |
Cũng theo bà Vũ Thị Hải Yến, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự thời gian qua cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, chưa thực sự đạt được kết quả như mong muốn. Những tồn tại, hạn chế trong công tác này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan và vướng mắc trong việc thực hiện các quy định pháp luật tương trợ tư pháp về hình sự của Việt Nam.
|
|
Hội thảo cũng đã nghe các đại biểu phát biểu về những vướng mắc, khó khăn, kinh nghiệm trong thực tiễn trong hoạt động TTTP. |
Ngày 30/01/2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kiến nghị của Bộ Tư pháp về việc sửa đổi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 theo hướng tách, xây dựng thành các luật riêng biệt gồm: Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đề nghị VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng kết, lập đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Kono Ryuzo, Công tố viên, Cố vấn trưởng Dự án JICA Pháp luật bày tỏ sự vui mừng được hỗ trợ VKSND tối cao tổ chức Hội thảo này. “Nhật Bản và Việt Nam đã kí kết Hiệp định TTTP về hình sự. Hi vọng sẽ trao đổi kinh nghiệm để học hỏi lẫn nhau để công tác TTTP giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng hiệu quả hơn.”- ông Kono Ryuzo nói.
Hội thảo “Thực tiễn thi hành công tác tương trợ tư pháp hình sự theo Luật tương trợ tư pháp 2007 - Kinh nghiệm của Nhật Bản” nhằm đánh giá thực tiễn 14 năm thực hiện công tác tương trợ tư pháp hình sự theo Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Đồng thời, cũng mong muốn học tập kinh nghiệm của Nhật Bản trong hoạt động TTTP về hình sự. Theo đó, chuyên gia của Bộ Tư pháp Nhật Bản sẽ giới thiệu về Pháp luật tương trợ điều tra Nhật Bản và nội dung Hiệp định TTTP hình sự giữa Việt Nam và Nhật Bản được ký kết tháng 11/2021 và có hiệu lực thi hành từ tháng 8/2022; đồng thời cũng đề cập một số lưu ý đối với các cơ quan tố tụng Việt Nam khi lập yêu cầu TTTP về hình sự gửi Nhật Bản.
|