(BVPL) - Chiều ngày 11/12/2014, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch Nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước công bố một số Luật và Nghị quyết vừa được thông qua tại kỳ họp thứ Tám Quốc hội khóa XIII, đó là: Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Tổ chức TAND, Nghị quyết về việc thi hành Luật Tổ chức TAND; Luật Tổ chức VKSND; Nghị quyết về việc thi hành Luật tổ chức VKSND; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Nhà ở.
 
Đồng chí Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch Nước công bố các Lệnh về việc công bố Luật
Đồng chí Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch Nước công bố các Lệnh về việc công bố Luật
 
Tại lễ công bố, Tiến sĩ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC đã giới thiệu những nội dung mới của Luật Tổ chức VKSND. Luật tổ chức VKSND năm 2014, khẳng định rõ địa vị pháp lý của VKSND là thiết chế hiến định trong bộ máy nhà nước; có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Luật đã làm rõ vị trí, vai trò của VKSND trong mối quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước theo tư tưởng của Hiến pháp năm 2013. VKSND được xác định là thiết chế kiểm soát hoạt động tư pháp, có trách nhiệm phối hợp, kiểm sát chặt chẽ, thường xuyên đối với cơ quan điều tra, tòa án, cơ quan thi hành án và các cơ quan khác trong việc thực hiện hoạt động tư pháp.
 
Tiến sỹ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC giới thiệu về Luật tổ chức VKSND năm 2014
Tiến sỹ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC giới thiệu về Luật tổ chức VKSND năm 2014
 
Theo đó, Luật Tổ chức VKSND 2014 đã quy định rõ, phạm vi chức năng thực hành quyền công tố bắt đầu từ khi giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; bổ sung và phân biệt rõ các công tác phục vụ thực hiện chức năng gồm: Thống kê tội phạm, nghiên cứu khoa học, xây dựng pháp luật…; mở rộng thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSND với các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp; quy định VKSND có thẩm quyền kháng nghị trong trường hợp hành vi, bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, và kiến nghị trong trường hợp ít nghiêm trọng; làm rõ hơn nội dung nguyên tắc tập trung thống nhất trong ngành, đó là Kiểm sát viên phải tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng VKSND.
 
Luật đã bổ sung thêm một cấp Kiểm sát là VKS cấp cao, thành lập các phòng ở VKS cấp huyện khi đủ điều kiện về biên chế. Tổ chức 04 ngạch Kiểm sát viên, bổ sung ngạch KSV VKSNDTC với số lượng ấn định 19 đồng chí, còn lại là các ngạch KSV cao cấp, KSV trung cấp, KSV sơ cấp, ngoài ra, Luật cũng quy định Kiểm tra viên cũng là một chức danh tư pháp, được tham gia một số hoạt động tố tụng; áp dụng các hình thức thi tuyển vào các ngạch KSV sơ cấp và trung cấp; đổi mới quy định về nhiệm kỳ của KSV, KSV được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 5 năm, bổ nhiệm lại, nâng ngạch thời hạn là 10 năm; bổ sung quy định Kiểm sát viên phải tuyên thệ khi được bổ nhiệm; duy trì UBKS ở các cấp như hiện nay và thành lập thêm UBKS ở VKS cấp cao; bổ sung thẩm quyền cho UBKS xét tuyển người có đủ điều kiện dự thi vào các ngạch Kiểm sát viên; Luật cũng quy định các chức danh trong ngành Kiểm sát có thang bậc lương riêng.
 
 
Tại buổi họp báo, trả lời thắc mắc của báo giới quan tâm về việc thành lập VKSND cấp cao , Tiến sỹ Lê Hữu Thể cho biết: Những vấn đề cần lưu ý từ nay tới 1/6/2015, là việc VKSND tối cao chuyển giao nhiệm vụ quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm, VKSND cấp tỉnh chuyển giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm cho VKSND cấp cao. Đồng chí Lê Hữu Thể nhấn mạnh, nhiệm vụ và quyền hạn của VKSND cấp cao: Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh đã có kháng cáo, kháng nghị mà chưa được giải quyết; Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh đã có kháng nghị mà chưa được giải quyết. Giải quyết kiến nghị đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh được VKSND cấp tỉnh, VKSND tối cao thụ lý mà chưa được giải quyết. Viện trưởng VKSND cấp cao có thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh; kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện, tòa án nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi lãnh thổ thuộc thẩm quyền.
 
Theo Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức VKSND, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2015. Kể từ ngày 01/02/2015, một số điều của Luật sẽ có hiệu lực thi hành như: Điều 40, Điều 49, các khoản 3,4 và 5 Điều 63, Điều 74, Điều 76… để thực hiện công tác chuẩn bị về tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất và các điều kiện khác đảm bảo hoạt động của VKSND các cấp từ ngày 01/6/2015.
 
Hoàng Long