leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị.

Liên ngành Công an tỉnh - VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2017 ngày 29/12/2017 (TTLT số 01/2017), 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2021 (TTLT số 01/2021) của liên ngành Trung ương về phối hợp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố và 1 năm thực hiện Hướng dẫn số 15/HD-BCA-V03 ngày 29/8/2023 của Bộ Công an về việc bố trí Điều tra viên ở Công an cấp xã (hiện nay Hướng dẫn số 15 được thay thế Hướng dẫn số 10/HD-BCA-V03 ngày 10/4/2024). 

Báo cáo kết quả thực hiện các thông tư liên tịch của liên ngành tại Hội nghị đã chỉ rõ: Sau khi TTLT số 01/2017, TTLT số 01/2021 được ban hành, lãnh đạo hai ngành đã xác định đây là những thông tư quan trọng góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền phối hợp thực hiện việc tiếp nhận, phân loại và xác minh sơ bộ các tố giác, tin báo về tội phạm, tổ chức Hội nghị quán triệt đến toàn thể cán bộ điều tra, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Thông tư liên tịch và Bộ luật Tố tụng hình sự.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự Hội nghị.

Sau thời gian triển khai đồng bộ việc thực hiện các TTLT số 01/2017, TTLT số 01/2021 và các Quy chế phối hợp liên ngành, các Cơ quan CSĐT - VKSND 2 cấp tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp thực hiện tốt việc tiếp nhận, phân loại, thụ lý và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đúng theo quy định. Chỉ tính riêng 3 năm (2021 - 2024) các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, thụ lý 3.547 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (trong đó thuộc thẩm quyền giải quyết 3.486 tin); đã giải quyết 3.293 tin, đạt tỉ lệ 94,46%. Toàn bộ các tố giác, tin báo đã giải quyết đều đảm bảo có căn cứ đúng pháp luật, không có vụ việc nào xử lý oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Đối với các cơ quan được giao nhiệm vụ tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo: Đã tiến hành đầy đủ các hoạt động trực ban tiếp nhận tố giác, tin báo. Các hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo đều được tiến hành một cách toàn diện, chính xác đảm bảo đủ tài liệu, chứng cứ để giải quyết tố giác, tin báo. Công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra - Viện kiểm sát trong việc tiến hành kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo có những chuyển biến rõ nét. 100% tin báo được giải quyết kịp thời, đúng hạn; kết quả giải quyết tố giác, tin báo trong những năm qua luôn đảm bảo căn cứ pháp luật, không có tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài.

leftcenterrightdel
 Đại biểu VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế dự Hội nghị.
Báo cáo chung của liên ngành Công an tỉnh - Viện kiểm sát tỉnh cũng đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc của 2 TTLT số 01/2017 và 01/2021. Qua đó, kiến nghị liên ngành Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn để địa phương thực hiện được thống nhất đó là các TTLT này chưa có quy định về việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc thẩm quyền của lực lượng an ninh điều tra; chưa có quy định về bảo, quản lý, xử lý vật chứng đối với các tin báo, tố giác tội phạm có vật chứng; quy định phạm vi tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố chưa đầy đủ nên hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo gặp nhiều khó khăn; chưa quy định thủ tục, hình thức chuyển tin báo, tố giác giữa các cơ quan được giao hoạt động điều tra, xác minh, giải quyết tố giác tin báo. TTLT số 01/2021 quy định: Cơ quan CSĐT Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an nhưng trong BLTTHS không quy định vấn đề này.

Thực hiện chủ trương của Bộ Công an về việc bố trí Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ tại Công an cấp xã, ngay sau khi Hướng dẫn 15 có hiệu lực thi hành, Công an tỉnh - VKSND tỉnh đã phối hợp chỉ đạo triển khai đồng bộ công tác kiểm tra, hướng dẫn việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tính đến ngày 14/6/2024, lực lượng Công an cấp xã đã được phân công giải quyết 139 tin báo, tố giác tội phạm; thụ lý, điều tra 48 vụ/ 71 bị can, phần nào giảm tải được khối lượng công việc cho Cơ quan CSĐT cấp huyện. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được như đã nêu trên, Cơ quan CSĐT và Công an cấp xã vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp nhận, phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố như chậm ra quyết định phân công phó thủ trưởng, điều tra viên thụ lý, giải quyết tin báo; chậm chuyển giao tài liệu, chứng cứ; ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết tin báo không đúng; chậm ra quyết định khởi tố vụ án. Đối với lực lượng Điều tra viên Công an xã còn vi phạm nhiều nhất là chậm chuyển tố giác, tin báo về tội phạm đến Cơ quan CSĐT để giải quyết theo thẩm quyền; … Qua hướng dẫn, kiểm tra Viện kiểm sát đã trao đổi khắc phục đối với những vi phạm, sai sót, những vi phạm nghiêm trọng thì ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm. Các Cơ quan CSĐT và Công an cấp xã chấp nhận hoàn toàn các kiến nghị, tạo nên sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành.

Phát biểu chỉ đạo, kết luận tại Hội nghị, đồng chí Hồ Thanh Hải, Viện trưởng VKSND tỉnh và Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh ghi nhận những kết quả đạt được của hai ngành trong thời gian qua, đồng thời yêu cầu trong thời gian tới hai ngành tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, TTLT 01/2017, TTLT 01/2021 và các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác giải quyết tố giác, tôi báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Thực hiện đúng bản chất của công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra - Viện kiểm sát vì công việc chung. Nắm chắc, chính xác hoạt động tiếp nhận, phân loại thụ lý tố giác tin báo trên địa bàn, không giấu số liệu làm đẹp báo cáo; xử lý nhanh, triệt để các vụ việc nổi cộm, dư luận quan tâm. Khắc phục, từng bước chấm dứt việc thụ lý, chuyển tin báo chậm; phân loại, giải quyết tin báo phải kịp thời, có căn cứ; không để xảy ra khởi tố oan, không khởi tố, bỏ lọt tội phạm; gắn trách nhiệm Kiểm sát viên với Điều tra viên.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Hồ Thanh Hải, Viện trưởng VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội nghị.

 Hai ngành tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp nhằm hoàn thiện quy chế phối hợp. Tiếp tục phối hợp xây dựng cơ chế thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, hướng dẫn Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện và Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo. Hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo  để phát hiện kịp thời những bất cập, sai sót. Đánh giá, công nhận những phương pháp, cách làm hay để phổ biến nhân rộng nhằm đưa công tác giải quyết tố giác tin báo về tội phạm ngày càng có chất lượng hơn.

Tổ chức các lớp tập huấn về công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố với tiêu chí “bắt tay chỉ việc”, khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên, Điều tra viên phải tự nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Các Cơ quan có nhiệm vụ phân công trực 24/24, ngay sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã vào sổ tin báo và phân loại xử lý theo quy định của pháp luật. Tất cả các vụ việc đều lập hồ sơ giải quyết theo quy định và thông báo cho Viện kiểm sát theo Bộ luật Tố tụng hình sự và 2 TTLT.

Hàng tuần, Kiểm sát viên phối hợp với Cơ quan điều tra rà soát thời hạn, tiến độ giải quyết các tin báo đã thụ lý, đánh giá lại tất cả các hoạt động kiểm tra, xác minh; kiên quyết không phê chuẩn hoặc hủy bỏ các quyết định tố tụng chưa đảm bảo căn cứ pháp luật, nếu đảm bảo căn cứ thì kịp thời phê chuẩn để tạo thuận lợi trong thu thập chứng cứ làm rõ sự việc. 

Võ Thị Thanh Truyền - Phòng 2 VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế