Các doanh nghiệp vận tải trên tuyến Nghệ An – Hà Nội (đang hoạt động tại bến xe Nước Ngầm) vừa gửi đơn kêu cứu tới nhiều cơ quan chức năng cũng như các cơ quan báo chí phản ánh việc có dấu hiệu tiêu cực trong việc sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến.
Doanh nghiệp bức xúc gì?
Cụ thể, các doanh nghiệp này đang hết sức bức xúc vì trên tuyến Hà Nội – Nghệ An hàng chục năm nay đang tồn tại một thực tế bất công “người ăn không hết , kẻ lần chẳng ra”. Năm 2007, tất cả các xe khách tuyến Hà Nội – Nghệ An được Cục đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Hà Nội điều chuyển về bến xe Nước Ngầm.
|
Ben xe My Dinh |
Nhưng sau đó, phần lớn số xe này lại được Sở GTVT Hà Nội cho về bến Mỹ Đình. Sở GTVT Hà Nội lại cho mở thêm nhiều nốt, nhiều xe chạy tuyến Nghệ An – Hà Nội vô bến Mỹ Đình hoạt động.
“Về việc này, các cơ quan báo chí đã nói rất nhiều, nói liên tục trong suốt hơn 3 năm qua. Mới đây, chúng tôi hết sức phấn khởi khi hay tin: Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu Sở GTVT Hà Nội phải dẹp bỏ hoàn toàn xe xuyên tâm, điều chuyển ngay các xe đang chạy tuyến Mỹ Đình – Nghệ An, Mỹ Đình – Thanh Hóa… về bến xe Nước Ngầm theo đúng quy hoạch đã được Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội phê duyệt. Tháng 6 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội cũng đã họp báo công bố Kế hoạch điều chuyển một số tuyến xe khách từ Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm.
Như vậy là, sẽ không còn cảnh bất công “Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra” tồn tại suốt nhiều năm qua trên tuyến Hà Nội – Nghệ An. Hành khách, nhà xe sẽ về một mối, cạnh tranh sòng phẳng với nhau bằng chất lượng phương tiện và chất lượng phục vụ” . Tuy nhiên, theo đơn thư phản ánh, đến nay, kế hoạch trên vẫn chỉ “nằm trên giấy”.
Đơn thư còn phản ánh: “Sở dĩ có sự chậm chễ này theo chúng tôi được biết ông Giám đốc Công ty Văn Minh (đang có xe chạy từ Mỹ Đình đi Nghệ An, Hà Tĩnh) đứng ra tổ chức mời các nhà xe có xe chạy ở bến Mỹ Đình viết đơn và góp tiền nhằm mục đích “chạy ở lại” bến xe Mỹ Đình. Số tiền huy động cho việc này theo chúng tôi được biết lên tới nhiều tỷ đồng?.
Chúng tôi cũng vô cùng thất vọng khi Sở GTVT và Hiệp hội Vận tải ô-tô Nghệ An (nơi mà chúng tôi cũng là hội viên) lại đứng ra bảo vệ quan điểm “giữ nguyên xe khách Nghệ An ở Mỹ Đình; nếu điều chuyển thì hàng loạt doanh nghiệp sẽ phá sản…”. Thử hỏi: Hàng chục năm nay, chúng tôi vẫn hoạt động ở bến Nước Ngầm, dù không được vợt khách ngoài bến, không được lập “bến dù” nhưng chúng tôi vẫn phát triển, vẫn liên tục đầu tư thêm xe, nâng cấp xe; đã có ai trong chúng tôi bị “phá sản” đâu hay chỉ là con bài họ đưa ra để lòe bịp dư luận?”. Lá đơn nêu ra nghi vấn tiêu cực lớn ở Sở GTVT Hà Nội.
Bên cạnh việc đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ nghi vấn tiêu cực, xử lý nghiêm những người cố tình làm trái chỉ đạo của chính Giám đốc Sở GTVT và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, kiên quyết điều chuyển xe khách chạy đúng tuyến theo quy hoạch và kế hoạch đã đề ra, các doanh nghiệp cũng đưa ra một kiến nghị “khó xử” cho Sở GTVT Hà Nội.
Cụ thể, các doanh nghiệp này nêu ý kiến: “Trường hợp cuối cùng, nếu Sở GTVT Hà Nội không thực hiện kế hoạch điều chuyển do chính Sở đề ra thì chúng tôi đề nghị cho tất cả doanh nghiệp vận tải, phương tiện đang hoạt động tại bến xe Nước Ngầm cùng về bến xe Mỹ Đình. Có như thế chúng tôi mới có thể kinh doanh bình đẳng với nhau”.
Có hay không tiêu cực?
Có thể thấy, đây là một vấn đề lớn trong quản lý, tổ chức giao thông ở Hà Nội. Nếu chỉ đạo của Chủ tịch TP, kế hoạch của Sở GTVT Hà Nội đưa ra không được thực hiện thì quả thật giao thông ở Hà Nội đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận”.
Được biết, trong các tháng 6-7/2016, Sở GTVT Hà Nội đã liên tục đưa ra kế hoạch điều chuyển phương tiện từ Mỹ Đình về một số bến xe. Tiếp đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng nhiều lần lên tiếng yêu cầu kiên quyết dẹp xe khách xuyên tâm, quản lý xe khách đúng quy hoạch đã được phê duyệt, đến ngày 1/10/2016, Sở GTVT Hà Nội phải hoàn thành nhiệm vụ này.
Ngày
29/6/2016, tại buổi họp báo, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã thông báo Kế hoạch điều chuyển một số tuyến vận tải từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm. Tuy nhiên, đến nay đã là 13/10, mọi việc vẫn chưa có nhiều chuyển biến và đang có dấu hiệu trở nên phức tạp, nhức nhối hơn.
Câu hỏi đặt ra: Vì sao có sự “bẻ lái” để làm trái chỉ đạo, sai kế hoạch? Có hay không việc dùng tiền bạc nhằm “bôi trơn” để chạy chọt, tác động để thay đổi chính sách như đơn thư phản ánh? Thiết nghĩ, đây là vấn đề mà các cơ quan chức năng của Hà Nội cần sớm vào cuộc làm rõ./.
Theo phaply.net.vn