Theo TTCP, năm 2009, dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 (dự án QL6) đoạn Ba La - Xuân Mai được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho Tổng Công ty Sông Đà thực hiện nhưng doanh nghiệp này đã không đề xuất được dự án để triển khai. 

Tháng 2/2017, Hà Nội cho phép Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) hợp tác liên doanh với Công ty cổ phần Sông Đà - Hà Nội, Công ty cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Dịch vụ Đại An thực hiện dự án đầu tư. Các bên liên doanh đã tiến hành thành lập pháp nhân mới lấy tên là Công ty cổ phần Louis Group (Công ty Louis). 

Công ty Louis đã đề xuất Sở KH-ĐT tham mưu cho UBND TP Hà Nội bổ sung đoạn tuyến Ba La - Chúc Sơn vào dự án QL6 đoạn Ba La - Xuân Mai với quy mô toàn tuyến và áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư Công ty Louis đàm phán trực tiếp hợp đồng BT. Việc tham mưu này theo TTCP là vi phạm quy định tại khoản 1 Nghị định số 30 ngày 5/5/2015 của Chính phủ về đấu thầu dự án. 

leftcenterrightdel
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội. 

Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã có ý kiến cảnh báo với UBND TP Hà Nội về hình thức lựa chọn nhà đầu tư của dự án, và Bộ KH-ĐT có ý kiến làm rõ đối với việc dự án đã được điều chỉnh quy mô. Và theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội phải tiếp thu các ý kiến này từ bộ, ngành và chịu trách nhiệm toàn diện đối với việc thực hiện dự án. Tuy nhiên, theo TTCP, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vì lý do nào đó Sở KH-ĐT Hà Nội đã không tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành để tham mưu theo quy định dẫn đến việc UBND TP Hà Nội tiếp tục có chỉ đạo các cơ quan có liên quan chuẩn bị thủ tục để đàm phán hợp đồng với Công ty Louis. 

Được biết, theo Quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án QL6 được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, có quy mô 124,92ha, tổng vốn đầu tư hơn 8.713 tỉ đồng. Công ty Louis được tạo điều kiện khai thác 39 ô đất với tổng diện tích khoảng 343,54ha với giá trị tiền sử dụng đất hơn 8.262 tỉ đồng. Kết luận thanh tra vừa công bố cho thấy, đến thời điểm thanh tra, dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Hiện, 39 ô đất dự kiến dùng để thanh toán dự án BT có diện tích khoảng 343,54ha do Sở KH-ĐT trình: có 14 ô đất không chồng lấn với dự án khác, diện tích khoảng 209,15ha, hiện trạng là đất nông nghiệp chưa giải phóng mặt bằng; có 6 ô đất, diện tích khoảng 33,91 ha đã được UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo dùng để làm đất tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa; 10 ô đất diện tích 70, 29ha đã được UBND TP Hà Nội dự kiến đấu giá quyền sử dụng để tạo nguồn; có 9 ô đất diện tích 30,19ha đã giải phóng mặt bằng nhằm giới thiệu địa điểm để các nhà đầu tư nghiên cứu lập dự án. 

Kết luận của TTCP khẳng định: mặc dù Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo về việc tuân thủ quy hoạch chi tiết xây dựng, đảm bảo đồng bộ, không trùng lấn với các dự án đã giao chủ đầu tư khác nhưng Sở KH-ĐT vẫn trình để giao cho nhà đầu tư 39 ô đất làm đối ứng thanh toán BT. Việc tham mưu không đúng quy định pháp luật của Sở KH-ĐT có nguy cơ gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Danh mục 39 ô đất được Sở KH-ĐT trình phần lớn trùng khớp với danh mục đề xuất của Công ty Louis. Mặc dù công ty này chưa được lựa chọn là nhà đầu tư nên chưa có quyền đàm phán hợp đồng BT. 

Với các sai phạm tại dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6, TTCP kiến nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cán bộ Sở KH-ĐT về các tờ trình liên quan đến dự án để có hình thức xử lý nghiêm theo quy định; những cán bộ có sai phạm được phân công đảm nhiệm công việc khác, không được tiếp tục làm công tác tham mưu về kế hoạch, đầu tư.

PV