Qua 13 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực.

Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Giao thông đường bộ 2008 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để xây dựng Luật Đường bộ.

Cụ thể: Tỉ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị hiện nay còn thấp hơn so với quy định (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác, con số này mới chỉ đạt từ 5 - 12% tùy theo từng khu vực trong khi theo yêu cầu là từ 16% - 26%). Giao thông tại các đô thị lớn còn thường xuyên ùn tắc, trong đó do một phần hạ tầng chưa đầy đủ, đồng bộ; hệ thống đường tỉnh thiếu vốn đầu tư xây dựng, chất lượng còn hạn chế; đường giao thông nông thôn, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, chưa hoàn thành việc cứng hóa kết cấu mặt đường.

Nguồn vốn cho đầu tư từ ngân sách đối với hạ tầng giao thông đường bộ còn chiếm tỷ trọng thấp; nguồn vốn dành cho quản lý bảo trì thấp; chưa có khung pháp lý cho các phương tiện giao thông thông minh, phương tiện đa tính năng có thể di chuyển cả trên đường bộ và đường thủy hoặc hàng không, phương tiện quá khổ giới hạn, quá tải trọng; thị phần vận tải chưa hợp lý, số lượng doanh nghiệp vận tải, dịch vụ logistics có đủ năng lực dẫn dắt thị trường và cạnh tranh quốc tế còn ít; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác xử lý vi phạm về giao thông đường bộ còn hạn chế, trong khi các hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ còn diễn ra phổ biến, phức tạp…

Từ những lý do trên, theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 95 điều. So với dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 2 chương sang Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (đó là chương: quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ), giữ nguyên 1 điều (Điều 2 về đối tượng áp dụng); sửa đổi 40 điều; bổ sung mới 54 điều.

Về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đường bộ, dự thảo Luật nêu rõ: Bảo đảm an toàn, thông suốt, hiệu quả; phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại thuận tiện của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, hội nhập quốc tế.

Phát triển giao thông đường bộ theo quy hoạch; sử dụng hiệu quả các nguồn lực; kết nối phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, bảo đảm văn minh, hiện đại và đồng bộ.

Quản lý hoạt động giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp.

Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể bao gồm: 

1. Phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

2. Đặt, để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính, đường nhánh; tự ý tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.

3. Lấn chiếm, sử dụng, xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

4. Tự ý lắp đặt, điều chỉnh, che khuất báo hiệu đường bộ.

5. Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, sử dụng xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

6. Tự ý cải tạo, lắp đặt thêm hoặc tháo bỏ các linh kiện, chi tiết, hệ thống, tổng thành của phương tiện khi tham gia giao thông so với thiết kế, thông số kỹ thuật của nhà sản xuất đã được phê duyệt; thay đổi tổng thành, linh kiện, phụ kiện xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi kiểm định.

7. Tự ý can thiệp, thay đổi phần mềm điều khiển của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, động cơ đã được đăng ký với cơ quan quản lý, nhằm mục đích gian lận kết quả kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định.

8. Vận chuyển hàng cấm lưu thông, vận chuyển trái phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm, động vật hoang dã.

9. Đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; đe doạ, cưỡng ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn; chuyển tải, xuống khách hoặc các hành vi khác nhằm trốn tránh phát hiện xe chở quá tải, quá số người quy định.

10. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định.

11. Kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định.

12. Cải tạo các xe ô tô loại khác thành xe ô tô chở người.

13. Từ chối vận chuyển hoặc gây khó khăn đối với hành khách là người cao tuổi, người khuyết tật.

P.V