leftcenterrightdel
 4 kẻ cầm đầu tổ chức khủng bố Triều đại Việt. (Ảnh: Bộ Công an)

Cứ mỗi dịp gần đến kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước lại tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, gây mất ổn định về an ninh trật tự.

Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn, chiêu bài tuyên truyền, xuyên tạc về Đảng và Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận quần chúng, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Nguy hiểm hơn, nhiều tổ chức phản động hoạt động có tính chất khủng bố, sử dụng bạo lực, vũ trang để gây bất ổn về an ninh trật tự. 

Dù hoạt động rất tinh vi, nhiều thủ đoạn nhưng các hành vi này đều bị các cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện, đấu tranh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Từ lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, xuyên tạc

Thời gian gần đây, thủ đoạn tuyên truyền chống phá của các đối tượng thù địch nổi lên một số vấn đề đáng chú ý. Đó là lợi dụng các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tổ chức các hội, nhóm tập hợp những đối tượng có tư tưởng chống đối cả ở trong và ngoài nước để hoạt động tuyên truyền một cách bài bản, có tổ chức chặt chẽ, tinh vi.

Đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Những hành vi này đã tiếp tay cho các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị tuyên truyền, kích động gây hoang mang trong dư luận quần chúng, gây chia rẽ đoàn kết trong nội bộ Đảng và Nhà nước, cần xử lý nghiêm minh mới có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.

Đầu tháng 1 vừa qua, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử vụ án cựu nhà báo Phạm Chí Dũng và các đồng phạm về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."

Từng là một đảng viên, một nhà báo, tuy nhiên sau đó, Phạm Chí Dũng đã "biến chất," bẻ cong ngòi bút của mình, móc ngoặc với nhiều đối tượng ở trong và ngoài nước để đăng tải những bài viết có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vi phạm pháp luật.

Từ năm 2014, Phạm Chí Dũng và các đồng phạm thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng, tổ chức có tư tưởng bất mãn về chính trị ở trong và ngoài nước. Từ đó, Dũng nảy sinh tư tưởng bất mãn với chính quyền nên đã khởi xướng thành lập cái gọi là "Hội Nhà báo độc lập Việt Nam."

Sau khi thành lập hội, Phạm Chí Dũng giữ vai trò Chủ tịch Hội; cùng các đối tượng khác thành lập các chi hội miền Trung, miền Nam và hải ngoại. Phạm Chí Dũng cùng đồng phạm tạo lập website và blog "Việt Nam Thời báo" do Dũng quản trị, tiếp nhận và duyệt đăng thông tin, bài viết của mình, của hội viên và các cộng tác viên.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Phạm Chí Dũng tại phiên xét xử. (Nguồn: TTXVN phát)

Phạm Chí Dũng sử dụng nhiều bút danh khác nhau để viết, đăng tải 1.530 tin, bài viết trên trang "Việt Nam Thời báo" của "Hội Nhà báo độc lập Việt Nam," có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bản án nghiêm minh mà Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên là hình phạt thích đáng đối với Phạm Chí Dũng và các đồng phạm. Ở Việt Nam, quyền tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến của công dân được pháp luật bảo đảm và được thực hiện trên thực tế. Tuy nhiên, với những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để vi phạm pháp luật, việc xử lý những người vi phạm là cần thiết, được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật Việt Nam và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

Thời gian qua, công an các đơn vị, địa phương đã triển khai lực lượng tổ chức xác minh, đấu tranh với hàng nghìn đối tượng, củng cố tài liệu, chứng cứ, xử lý hình sự, hành chính hàng trăm đối tượng, giáo dục, thuyết phục hàng nghìn đối tượng có hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, tung tin sai sự thật, phá rã hàng trăm hội, nhóm trái pháp luật trên không gian mạng có hoạt động chống phá Đại hội Đảng; kiên quyết xử lý, kể cả xử lý về hình sự những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

Đến hành vi khủng bố, gây bất ổn về an ninh trật tự

Bên cạnh chiêu bài tuyên truyền kích động, nguy hiểm hơn, một số tổ chức phản động còn hoạt động mang tính chất khủng bố, sử dụng bạo lực, vũ trang để gây bất ổn về an ninh trật tự ở Việt Nam.

Cũng đầu tháng 1/2021, Bộ Công an Việt Nam phát đi thông báo về tổ chức khủng bố mang tên "Triều đại Việt" do các đối tượng nguyên là thành viên tổ chức khủng bố "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" thành lập tháng 1/2018. Tổ chức khủng bố này đặt trụ sở tại Canada.

Tổ chức này có nhiều trang web và các kênh truyền thông để truyên truyền chống phá như: "Triều đại Việt," "Free Bibet," "Hoàng Kỳ," "Giải độc chính trị," "Việt Nam today," "Việt tự do," "Radio tiếng nói quốc dân," "Phung Nguyen," "Scott Huynh," "Jeffrey Thai," "Tin tức hàng ngày TV24."

Nhưng nguy hiểm hơn, tổ chức khủng bố "Triều đại Việt" hoạt động theo phương thức bạo động vũ trang và phương châm "đốt sạch," "giết sạch," "phá sạch," "cướp sạch"; hỗ trợ tiền, chỉ đạo số cơ sở trong nước tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại; kích động người dân xuống đường biểu tình, bạo loạn cướp chính quyền.

Tổ chức khủng bố "Triều đại Việt" đã gửi hàng chục ngàn USD, hàng trăm triệu đồng cho một số đối tượng trong nước mua sắm vũ khí, chế tạo bom, mìn, may cờ, in truyền đơn, khẩu hiệu phản động.

Ngay sau khi tách khỏi tổ chức khủng bố "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời," những kẻ cầm đầu tổ chức khủng bố "Triều đại Việt" đã chỉ đạo số cơ sở nội địa đồng loạt lập ra các "Quân khu" tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, Nam Trung bộ và các tỉnh phía Bắc. Nhiệm vụ của các "Quân khu" là tìm cách móc nối, phát triển lực lượng, mở rộng địa bàn hoạt động; mua sắm vũ khí, chế tạo thuốc nổ và khảo sát, lên kế hoạch tấn công khủng bố nhằm vào trụ sở các cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, mục tiêu bảo vệ và các địa điểm công cộng, nhưng đều bị lực lượng chức năng của Việt Nam phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa kịp thời.

Ngoài ra, tổ chức khủng bố "Triều đại Việt" còn có ý đồ thành lập một số nhóm vũ trang hoạt động độc lập như "Trung đoàn Tây Đô," "Biệt động quân," "Thủy quân lục chiến," "Cảnh sát Đại Việt," "Không quân," "Hải quân"… gồm những đối tượng cực đoan, sẵn sàng thực hiện các vụ tấn công khủng bố, bất chấp hậu quả, nhưng đều bị Cơ quan An ninh đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.

Ngày 12/6/2018, các đối tượng thuộc tổ chức này đã sử dụng thuốc nổ TNT tấn công trụ sở Công an phường 12, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, khiến 1 người bị thương, làm hư hỏng 6 xe máy. Nhóm này còn chuẩn bị sẵn 8 quả nổ, 38 kíp nổ khác và đã lên kế hoạch tấn công khủng bố nhà riêng một số đồng chí lãnh đạo địa phương nhưng bị lực lượng chức năng Việt Nam ngăn chặn.

Tháng 7/2018, nhóm đối tượng tiến hành gây nổ tại cổng sau Công an tỉnh Hậu Giang nhưng không gây thiệt hại về người, tài sản.

Ngoài ra, các đối tượng đã tổ chức những nhóm từ nước ngoài, xâm nhập về Việt Nam theo đường tiểu ngạch để gây nổ, sát hại lực lượng chức năng và người dân. Nhưng âm mưu của chúng đều bị lực lượng chức năng Việt Nam kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

Đến nay, cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt, truy tố, xét xử 17 đối tượng; ra quyết định truy nã 2 đối tượng là thành viên của tổ chức khủng bố "Triều đại Việt" về tội "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân" theo Điều 113 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Để giữ vững an ninh, trật tự, các lực lượng chức năng Việt Nam đã chủ động nắm chắc tình hình, an ninh chính trị nội bộ, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng, an ninh xã hội, âm mưu, hoạt động chống phá; kịp thời tham mưu giải quyết có hiệu quả các yếu tố tiềm ẩn phức tạp đối với an ninh quốc gia gắn với đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng, củng cố xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh./.

Theo TTXVN