Nhận 1,7 tỉ đồng bảo kê 359 xe tải quá tải

VKSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố đối với Phạm Văn Phương, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và thương mại PNV (Công ty PNV), trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội; Phùng Đức Ngọc, trú tại phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội; Lê Văn Hiếu, trú tại xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội  về tội "Môi giới hối lộ"; Trần Huy Lâm, trú tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang; Ngô Sĩ Bảo, trú tại xã Phi Mô, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang và Đinh Văn Hải, trú tại xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh về tội "Đưa hối lộ".

Trước đó, ngày 8/11/2018, các bị cáo trên đã bị TAND tỉnh Bắc Ninh đã xét xử về tội Môi giới hối lộ và Đưa hối lộ. Tuy nhiên, cũng tại phên xét xử, TAND tỉnh Bắc Ninh đã trả lại hồ sơ VKSND tối cao làm rõ các điểm còn nghi vấn.

Theo cáo trạng: Phạm Văn Phương là Giám đốc Công ty PNV có xe tải lưu thông trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ nên có quen biết với một số cảnh sát giao thông (CSGT) ở tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh. Qua đó, Phương nói với một số nhà xe, lái xe muốn xe ô tô chở quá tải chạy trên các tuyến đường thuộc 2 tỉnh nêu trên không bị xử phạt thì thông qua Phương để "làm luật".

leftcenterrightdel
 Các bị cáo tại phiên xét xử sở thẩm tháng 11/2018

Bản cáo trạng cũng xác định, từ tháng 4/ 2016 đến tháng 6/2016, Trần Huy Lâm đã đưa cho Ngọc 991 triệu đồng để bảo kê 233 xe ô tô; Ngô Sĩ Bảo đưa cho Ngọc 347,5 triệu đồng để bảo kê 65 xe ô tô; Đinh Văn  Hải đưa cho Ngọc 132 triệu đồng để bảo kê 24 xe ô tô. Hành vi này của 3 bị can có tên trên đã cấu thành tội "Đưa hối lộ"...

Một số nhà xe, lái xe đã tin tưởng và nhờ Phương đứng ra dàn xếp lo bảo kê giúp... Sau đó, Phương giao cho Phùng Đức Ngọc và Lê Văn Hiếu (nhân viên của Công ty PNV) thỏa thuận với các nhà xe cần bảo kê để thu mỗi xe từ 1,3 triệu đến 5,5 triệu đồng/tháng; hoặc 200.000 đồng/ngày.

Các xe đã báo BKS bảo kê khi đi trên đường nếu bị CSGT kiểm tra thì chủ xe, lái xe nói là xe của Công ty An Hùng họ sẽ cho đi; nếu không cho đi thì lái xe gọi điện cho Phương (đối với các xe bảo kê trên địa bàn tỉnh Bắc Giang); gọi cho Ngọc, Hiếu (đối với các xe bảo kê trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh) để Phương, Ngọc, Hiếu xin không bị xử phạt.

Trường hợp vẫn bị xử phạt thì mang biên lai về đưa cho Phương sẽ được hoàn trả lại tiền phạt.

Bằng cách này, từ tháng 4/2016 đến tháng 7/2016, Phương cùng đồng phạm đã thu gần 1,7 tỷ đồng của 6 nhà xe để bảo kê 359 xe ô tô tải lưu thông trên địa bàn 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Chưa xác thực bản danh sách cán bộ liên quan nhận tiền bảo kê

Quá trình điều tra vụ án, các bị can còn khai số tiền bảo kê sau khi thu được của các nhà xe, lái xe được chuyển cho Phương, sau đó, Phương chi cho một số cán bộ CSGT của 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang...

Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra đã thu giữ tại nhà Phương các tờ giấy Phương viết chia % tiền bảo kê xe cho CSGT và Thanh tra giao thông.

Theo lời khai ban đầu của bị cáo Phương, anh ta có quan hệ với một số CSGT, Công an tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và cán bộ Cục C46, Bộ Công an nên có thể bảo kê cho các xe ô tô.

Phương chỉ đạo nhân viên nhận tiền bảo kê từ các nhà xe rồi chuyển tiền cho bị cáo để anh ta đưa cho cán bộ CSGT, TTGT hai tỉnh trên.

Phương khai: Để thực hiện hành vi bảo kê ô tô chở quá tải, Phương đưa tiền từ 10 đến 20 triệu đồng/tháng cho một số cán bộ CSGT.

Tại tỉnh Bắc Ninh, Phương khai, thông qua một cán bộ C46, anh ta gặp 2 đội trưởng của Phòng CSGT để thỏa thuận việc bảo kê xe chở quá tải và đưa cho người này 500 triệu đồng.

Bị cáo Ngọc đồng ý lời khai của Phương, nói khi có xe nộp tiền, bị cáo sẽ nhắn tin vào số được lưu sẵn là “QuyBN” tức 1 cán bộ CSGT ở Bắc Ninh. Ngọc từng được Phương đưa đi ăn cơm cùng vị CSGT này nên nhận được mặt.

Tuy nhiên, một số CSGT mà Phương và đồng phạm khai đích danh đã phủ nhận vì cho rằng họ chỉ quen biết Phạm Văn Phương chứ không nhận tiền bảo kê xe cùng với Phương.

Ông Lê Quang D. - cán bộ C46 (Bộ Công an) cũng nói không liên quan vụ án dù Phương khai từng đưa ông 500 triệu đồng để bảo kê xe và có nhiều tin nhắn nội dung bảo kê giữa 2 người.

Do thời hạn điều tra đã hết, một số yêu cầu điều tra về hành vi nhận hối lộ chưa làm rõ, đang chờ kế quả cung cấp tài liệu nên Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã tách hành vi "Nhận hối lộ" khi nào có kết quả điều tra sẽ xem xét xử lý sau.

Ngày 19/7/2016, tại một quán cà phê, Ngọc đang nhận 48 triệu đồng từ 1 lái xe thì bị tổ công tác Cục Cảnh sát hình sự  Bộ Công an bắt giữ. Sau đó, Cơ quan công an đã khởi tố Phương, Ngọc Hiếu về tội “Đưa hối lộ”.

Tháng 12/2017, C45 thay đổi tội danh của 3 bị can sang “Môi giới hối lộ”; tháng 1/2018, tội danh của Phương được chuyển thành “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Sau khi nhận kết luận điều tra, cơ quan truy tố đã yêu cầu C45 điều tra bổ sung 4 lần. Ngày 1/10/2018, VKSND Tối cao mới hoàn tất cáo trạng vụ án, ủy quyền cho VKSND tỉnh Bắc Ninh thực hành quyền công tố. 

  Ngày 5/11/2018,TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử sơ thẩm, sau đó HĐXX yêu cầu trả hồ sơ để làm rõ những điểm nghi vấn trong vụ án.

 

Hà Nhân