Hôm qua (1/2), lãnh đạo VKSND tối cao đã ký ban hành cáo trạng (số 1691/CT-VKSTC-V5), truy tố Nguyễn Ngọc Hai, SN 1962 - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Bị truy tố cùng tội danh, điều khoản với Nguyễn Ngọc Hai, là “bộ sậu” 10 bị can nguyên là lãnh đạo UBND tỉnh và Sở, ngành ở tỉnh Bình Thuận: Lương Văn Hải, SN 1960 - nguyên PCT thường trực UBND tỉnh; Hồ Lâm, SN 1960 – nguyên Giám đốc Sở TN&MT; Ngô Hiếu Toàn, SN 1977 – nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính; Lê Nguyễn Thanh Danh, SN 1980 – nguyên PGĐ Sở TN&MT; Đặng Hoài Nhân, SN 1965 – nguyên Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất; Nguyễn Thanh Cho, SN 1973 – nguyên Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai; Lê Nam Hưng, SN 1980 – nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai; Phạm Duy Cường, SN 1974 – nguyên Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng kinh tế đất thuộc Chi cục quản lý đất đai; Lê Anh Huy, SN 1977 – nguyên Chuyên viên phòng kinh tế đất; Nguyễn Thị Thu Phong, SN 1962 – nguyên PGĐ Trung tâm phát triển quỹ đất.

leftcenterrightdel
 Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai lúc đương chức.

Trong vụ án này, bị can Nguyễn Văn Phong, SN 1967 - nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điểm d khoản 3 Điều 360 – BLHS, đối diện với mức án từ 7 đến 12 năm tù.

Cáo trạng của VKSND tối cao chỉ rõ: Năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận giao Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất 92.600,9m2(3 lô đất số 18, 19, 20), thuộc quỹ đất hai bên đường ĐT.706B, phường Phú Hài, TP Phan Thiết để thực hiện dự án xây dựng nhà ở thương mại.

Để tổ chức đấu giá, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định số 2423/QĐ-UBND ngày 4/10/2013, phê duyệt giá khởi điểm của 3 lô đất này là 111.121.080.000 đồng (tương ứng 1,2 triệu đồng/m2).

Từ tháng 10/2012 đến tháng 11/2015, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Bình Thuận thông báo bán đấu giá 6 lần nhưng không có tổ chức, cá nhân nào đăng ký mua hồ sơ đấu giá.

Ngày 22/4/2016, Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký ban hành quyết định số 10/2016/QĐ-UBND quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, trong đó quy định: “Giá đất thực hiện giao đất, cho thuê đất được xác định là giá khởi điểm đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định”. Nội dung này trái với quy định tại khoản 3 Điều 108 Luật Đất đai năm 2013. (Thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất).

leftcenterrightdel
 Nguyễn Văn Phong (phải) và Phạm Duy Cường. Ảnh BCA.

Đồng thời, Nguyễn Ngọc Hai ký quyết định số 23/2016/QĐ-UBND, ngày 26/7/2016 điều chỉnh hệ số giá đất ở đô thị tại phường Phú Hài là k = 1,6, điều chỉnh hệ số giá đất thương mại dịch vụ tại phường Phú Hài là k = 1,19 (mật độ xây dựng đến 60%).

Đến tháng 1/2017, Hồ Lâm - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Nguyễn Thị Thu Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh dự thảo trước văn bản báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương giao 3 lô đất 18, 19, 20, khi nào có nhà đầu tư muốn mua thì tham mưu đề xuất.

Mặc dù biết theo quy định của pháp luật, thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất (khoản 3 Điều 108 Luật Đất đai năm 2013), nhưng theo chỉ đạo của Hồ Lâm, Phong nói Bùi Thị Ái Phương, Phó Trưởng phòng Tài chính tổng hợp dự thảo trước công văn của Sở gửi UBND tỉnh xin chủ trương giao đất không thông qua đấu giá lô 18, 19, 20 theo khoản 2 Điều 3 Quyết định số 10 của UBND tỉnh.

leftcenterrightdel
 Dự án Tân Việt Phát 2. Ảnh CTV.

Thực hiện chỉ đạo của Phong, bà Phương nói Lê Hữu Phùng Trung Kiên, Chuyên viên dự thảo báo cáo đề xuất, có nội dung áp giá 3 lô đất đó theo quyết định có từ năm 2013.

Văn bản có đề xuất này, được bà Phương và bà Nguyễn Thị Thu Hằng,Trưởng phòng thống nhất ký nháy trình Nguyễn Thị Thu Phong. Sau khi chỉnh sửa, văn bản dự thảo này được chuyển cho Đặng Hoài Nhân để nắm. Ngày 16/1/2017, văn bản được chuyển lại cho Phong và Phong có bút phê “TCTH lưu, khi nào nhà đầu tư có đơn đề nghị thì tham mưu theo dự kiến này, 16/1”.

Cùng ngày 16/1/2017, Công ty Cổ phần Tân Việt Phát, địa chỉ: Km 06 đường Nguyễn Thông, phường Phú Hài, TP Phan Thiết, Bình Thuận (viết tắt là Công ty Tân Việt Phát) do ông Nguyễn Ngọc Phương, Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật ký công văn số 01.2017/CV-TVP gửi UBND tỉnh Bình Thuận và Sở Tài nguyên và môi trường đề nghị giao cho Công ty Tân Việt Phát 92.600,9 m2 (lô đất số 18, 19, 20) không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo khoản 3, Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.

leftcenterrightdel
 Dự án Tân Việt Phát khiến nhiều quan chức Bình Thuận hầu tòa. Ảnh Duy Tuấn.

Sau khi nhận được công văn số 01.2017/CV-TVP, Hồ Lâm - Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường có bút phê chỉ đạo giao Chi cục Quản lý đất đai tham mưu, đề xuất. Nguyễn Thanh Cho - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai đã chỉ đạo Phòng Quy hoạch, kế hoạch tham mưu theo Điều 118 Luật Đất đai.

Ngày 18/01/2017, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận nhận được Văn bản số 01.2017/CV-TVP ngày 16/01/2017 của Công ty Tân Việt Phát gửi UBND tỉnh Bình Thuận và Sở Tài nguyên và môi trường, ông Võ Thanh Bình - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận đã chuyển văn bản cho Trần Việt Hưng - Phó Trưởng phòng Đầu tư và Quy hoạch xây dựng tham mưu, xử lý theo quy định.

Sau đó, ông Trần Việt Hưng đã dự thảo văn bản trình ông Lê Quang Vinh - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận ký ban hành công văn số 309/VP-ĐTQH ngày 19/01/2017, để chuyển văn bản của Công ty Tân Việt Phát đến Sở Tài nguyên và môi trường để chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu giải quyết, đồng thời có gửi 1 bản đến Trung tâm phát triển quỹ đất để thực hiện.

Ngày 20/1/2017 Đặng Hoài Nhân, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất đã giao cho Nguyễn Thị Thu Phong, Phó Giám đốc để chỉ đạo cho Phòng Tài chính Tổng hợp tham mưu, đề xuất thực hiện Công văn số 309/VP-ĐTQH ngày 19/01/2017 của Văn phòng UBND tỉnh.

leftcenterrightdel
 Từ trái qua: Đặng Hoài Nhân, Nguyễn Thanh Cho và Lê Nam Hưng. Ảnh BCA.

Mặc dù Công ty Tân Việt Phát chỉ đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận: “giao cho công ty 92.600,9 m2 (lô đất 18, 19, 20) không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất”, nhưng căn cứ văn bản dự thảo đã soạn sẵn trước đây theo chỉ đạo của Hồ Lâm, Nguyễn Thị Thu Phong và được sự đồng ý của Đặng Hoài Nhân, Lê Hữu Phùng Trung Kiên đã lập phiếu trình giải quyết công việc ngày 23/01/2017, gửi Lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường, kèm theo dự thảo công văn gửi UBND tỉnh có nội dung giao 3 lô đất (19, 19, 20) cho công ty Tân Việt Phát không qua hình thức đấu giá, giá đất thực hiện theo quyết định năm 2013 của UBND tỉnh (1,2 triệu/m2).

Dự thảo này sau đó được những người có trách nhiệm, liên quan cùng có ý kiến thống nhất và ngày 3/2/2017 Giám đốc Sở TN&MT Hồ Lâm đã ký công văn số 341/STNMT-TTPTQĐ gửi UBND tỉnh Bình Thuận, với kiến nghị có nội dung trái quy định pháp luật đã nêu trên.

Nhận được công văn của Sở TN&MT, ông Trần Việt Hưng – Phó Trưởng phòng đầu tư quy hoạch ghi ý kiến thống nhất, sau đó ông Lê Quang Vinh, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh,Lương Văn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ký duyệt và có ý kiến thống nhất.

Đáng chú ý, ông Phạm Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến: “Văn phòng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến của Sở Tài chính. Làm rõ thêm nội dung: Năm 2016 tại sao không đấu giá”.

Ý kiến của ông Nam đã được thông báo để Sở TN&MT lấy ý kiến của Sở Tài chính. Sau đó, phía Sở TN&MT đã có công văn đề nghị Sở Tài chính có ý kiến.

Nhận được công văn này, Nguyễn Văn Phong - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận có bút phê cho cấp dưới thực hiện. Lĩnh vực này do Ngô Hiếu Toàn - Phó Giám đốc Sở Tài chính được giao trực tiếp phụ trách nên có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Quản lý giá và công sản nghiên cứu, đề xuất. Hồ Thị Út, Phó Trưởng phòng phụ trách giao cho Tô Thị Ngọc Nga, Chuyên viên tham mưu, giải quyết.

Dự thảo của Sở Tài chính sau đó có nội dung thống nhất chủ trương giao đất cho công ty Tân Việt Phát theo giá khởi điểm phê duyệt năm 2013. Các cá nhân liên quan ở sở tài chính đều có ý kiến thống nhất dự thảo này. Và Ngô Hiếu Toàn sau đó đã ký văn bản trả lời chính thức, theo hướng thống nhất với đề xuất Sở TN&MT.

Sau khi Sở Tài chính có ý kiến, Sở TNT&MT tiếp tục có công văn gửi UBND tỉnh, đề xuất giao 3 lô đất cho Tân Việt Phát như Sở đã đề xuất trước đây.

Và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký công văn số 571/UBND-ĐTQH ngày 23/2/2017 gửi Sở TN&MT và Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh đồng ý chủ trương giao đất cho Công ty CP Tân Việt Phát.

Phía Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh đã hướng dẫn Công ty Tân Việt Phát nộp hồ sơ xin giao, cho thuê.

leftcenterrightdel
 Công an, VKS khám xét nhà PCT UBND tỉnh Bình Thuận Lương Văn Hải. Ảnh CTV.

Sau các bước hoàn tất hồ sơ, thủ tục từ Trung tâm phát triển quỹ đất, Sở TN&MT, với sự giúp sức tích cực của các cá nhân có trách nhiệm liên quan, đến này 7/3/2017, Lương Văn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh duyệt, ký ban hành quyết định số 610/QĐ-UBND: “về việc thu hồi và giao đất, cho thuê đất đối với 03 lô đất số 18, 19, 20 thuộc quỹ đất hai bên đường ĐT.706B cho Công ty Cổ phần Tân Việt Phát tại phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết” như Sở TN&MT đã trình.

Ngày 16/5/2017, Công ty Tân Việt Phát đã nộp số tiền 111.303.087.125 đồng vào ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận.

Vụ việc sau đó bị vỡ lỡ, khi người dân phản ánh UBND tỉnh giao 3 lô đất này cho Công ty Tân Việt Phát là có sai phạm và với giá rẻ. Nguyễn Ngọc Hai đã chỉ đạo Nguyễn Văn Phong - Giám đốc Sở Tài chính kiểm tra lại việc này. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Phong đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật, đã ký công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định việc giao đất này là đúng, phù hợp pháp luật.

Ngày 13/6/2017, Hồ Lâm ký cấp 3 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Việt Phát. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Công ty đã làm các thủ tục xin thực hiện dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 trên khu đất nêu trên và triển khai đầu tư hạ tầng, phân thành 500 lô đất, diện tích từ 100m2 đến 2.009m2.

Mỗi lô đất như này, sau đó được Tân Việt Phát chuyển nhượng với giá từ 6 đến 7,3 triệu đồng/m2.

Sau khi Bộ Công an vào cuộc điều tra, đã xác định giá trị 3 lô đất nói trên tại thời điểm ngày 7/3/2017 có giá trị: 156.487.848.853 đồng. Hành vi của các bị can trong vụ án đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 45.366.768.853 đồng (quy tròn 45,4 tỉ đồng).

Phía Tân Việt Phát cũng đã có công văn xin nộp bổ sung số tiền chênh lệch (bằng với số tiền thiệt hại mà các bị can trong vụ án gây ra: 45.366.768.853 đồng). Tuy nhiên đến nay vẫn chưa nộp.

Quá trình điều tra các bị can đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Một số bị can đã tác động để gia đình khắc phục một phần hậu quả thiệt hại của vụ án, cụ thể: Bị can Nguyễn Ngọc Hai: 300 triệu đồng; bị can Lương Văn Hải: 500 triệu đồng; bị can Lê Nguyễn Thanh Danh: 100 triệu đồng; bị can Hồ Lâm: 100 triệu đồng; bị can Đặng Hoài Nhân: 100 triệu đồng.

Bùi Tiến