Đây là vụ án xảy ra với quy mô rất lớn, lần đầu tiên Vụ 1, VKSND tối cao phối hợp với A09, Bộ Công an khởi tố, truy tố bị can là pháp nhân về tội trốn thuế.

Các đối tượng sử dụng những thủ đoạn gì khi phạm tội?

Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng chứng minh nhân dân và căn cước công dân mua từ các tiệm cầm đồ rồi thuê các cá nhân khác đăng ký thành lập mới doanh nghiệp hoặc đăng ký thay đổi thông tin người đại diện pháp luật và địa chỉ kinh doanh đối với các doanh nghiệp mua lại từ các cá nhân trên mạng xã hội. Sau khi có doanh nghiệp “ma”, các đối tượng liên hệ in hóa đơn giấy tại Công ty TNHH dịch vụ Việt Trí Luật, Công ty TNHH in ấn Huy Duy Phát hoặc mua phần mềm hóa đơn điện tử tại Công ty CP Đầu tư Công nghệ và Thương mại Softdreams và đăng ký mở tài khoản tại các Ngân hàng.

Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã điều tra, làm rõ việc thành lập 165 doanh nghiệp “ma” xuất bán trái phép 88.485 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống (là những hóa đơn đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật) với tổng giá trị ghi trên hóa đơn là 15.565.520.439.361 đồng (chưa bao gồm thuế GTGT), thu lợi bất chính hơn 130 tỉ đồng của các bị can.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên Nguyễn Thị Lan Hương -Vụ 1, VKSND tối cao (bên phải) cùng đồng nghiệp nghiên cứu vụ án. (Ảnh: Thịnh Đức/BVPL)

Xin “điểm mặt” các bị can để bạn đọc tiện theo dõi:

Bùi Văn Bảo sử dụng 35 doanh nghiệp “ma” xuất bán 25.256 hóa đơn GTGT khống

Từ tháng 4/2018 đến tháng 5/2022, Bùi Văn Bảo - Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thuế Ánh Dương đã sử dụng 35 doanh nghiệp “ma” xuất bán trái phép 25.256 hóa đơn GTGT khống với tổng giá trị ghi trên hóa đơn là 1.433.290.347.945 đồng (chưa bao gồm thuế GTGT) cho các đối tượng khác là các doanh nghiệp và các cá nhân trung gian với mức phí từ 0,8% đến 4%/tổng giá trị của hóa đơn GTGT (chưa bao gồm thuế GTGT), thu lợi bất chính 18.856.298.258 đồng. Các đối tượng mua hóa đơn trả cho Bùi Văn Bảo bằng tiền mặt hoặc chuyển vào 3 tài khoản ngân hàng, gồm: 2 tài khoản của Bùi Văn Bảo (tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam) và tài khoản của Nguyễn Ngọc Khoa tại Ngân hàng TMCP Quân đội. 

Trần Văn Thịnh đã sử dụng 47 doanh nghiệp “ma” xuất bán trái phép 29.745 hoá đơn GTGT khống

Theo Cáo trạng của VKSND tối cao (Vụ 1), ngoài việc mua hóa đơn GTGT khống của Bùi Văn Bảo để bán lại cho các đối tượng khác đã nêu như trên, từ tháng 4/2020 đến tháng 6/2023, Trần Văn Thịnh (nghề nghiệp buôn bán tự do) đã sử dụng 47 doanh nghiệp “ma” nêu trên xuất bán trái phép 29.745 hoá đơn GTGT khống có tổng giá trị ghi trên hóa đơn là 8.007.774.189.512 đồng (chưa bao gồm thuế GTGT) cho các đối tượng khác với mức phí từ 0.8% đến 3.5/tổng giá trị của hóa đơn (chưa bao gồm thuế GTGT), thu lợi bất chính tổng cộng 70.000.000.000 đồng. Số tiền này được các đối tượng mua hóa đơn trả cho Trần Văn Thịnh bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản vào các tài khoản (tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam) của Trần Văn Thịnh hoặc chuyển khoản vào tài khoản của các doanh nghiệp “ma” khi chuyển tiền để hợp thức hóa chứng từ thanh toán cho các hóa đơn GTGT khống. 

Để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp số tiền hưởng lợi bất chính từ hành vi mua, bán trái phép hóa đơn GTGT, từ năm 2021 đến trước khi bị bắt, Trần Văn Thịnh thực hiện nhiều giao dịch mua bất động sản, cùng vợ là Trần Thị Hải Yến đứng tên hoặc nhờ người khác đứng tên, với tổng số tiền đã giao dịch là: 32.500.000.000 đồng. Với hành vi này, Trần Văn Thịnh cũng bị khởi tố, truy tố về tội “Rửa tiền” quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự.

Bùi Thanh Bình sử dụng 8 doanh nghiệp “ma” để xuất bán 15.750 hóa đơn GTGT trái phép 

Từ năm 2020 đến năm 2023, Bùi Thanh Bình (nghề nghiệp lao động tự do) đã sử dụng 8 doanh nghiệp “ma” nêu trên xuất bán trái phép 15.750 hóa đơn GTGT có tổng giá trị ghi trên hóa đơn là 1.952.782.555.439 đồng (chưa bao gồm thuế GTGT) cho các đối tượng khác với mức phí từ 0,9% đến 2,5%/tổng giá trị của hóa đơn (chưa bao gồm thuế GTGT), thu lợi bất chính 13.618.308.125 đồng. Số tiền này được các đối tượng mua hóa đơn GTGT khống trả cho Bùi Thanh Bình bằng tiền mặt hoặc chuyển vào 2 tài khoản của Bùi Thanh Bình (tại Ngân hàng TMCP Á Châu và Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam) hoặc chuyển khoản vào tài khoản của doanh nghiệp “ma” của Bùi Thanh Bình khi hợp thức hóa chứng từ thanh toán cho các hóa đơn GTGT xuất khống. 

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên tống đạt Cáo trạng cho bị can. (Ảnh: Thịnh Đức/BVPL)

Việc sử dụng 12 doanh nghiệp “ma” để xuất bán 6.416 hóa đơn GTGT trái phép của Phạm Minh Cường

Từ năm 2018 đến năm 2023, Phạm Minh Cường – Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Nam Hoa và Lương Hàng Tóa đã sử dụng 12 doanh nghiệp “ma” nêu trên xuất bán trái phép 6.416 hóa đơn GTGT khống có tổng giá trị ghi trên hóa đơn là 2.530.384.776.438 đồng (chưa bao gồm thuế GTGT) cho các đối tượng khác với mức phí từ 1% đến 1,2%/tổng giá trị hóa đơn (chưa bao gồm thuế GTGT), thu lợi bất chính khoảng 25.303.847.764 đồng, trong đó Phạm Minh Cường hưởng lợi 7.591.154.330 đồng

Từ năm 2021 đến năm 2023, Nguyễn Khắc Điền (nghề nghiệp lao động tự do) và đồng phạm đã sử dụng 63 doanh nghiệp “ma” nêu trên xuất bán hóa đơn GTGT trái phép.

Để thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT khống nêu trên, các bị can trên và các đối tượng mua hóa đơn GTGT khống thường liên hệ với nhau qua ứng dụng trực tuyến Zalo và Telegram hoặc tạo ra nhóm chát trên các ứng dụng này để trao đổi, thỏa thuận về chi phí và thông tin phục vụ mua bán hóa đơn GTGT khống (gồm: tên, địa chỉ, mã số thuế của đơn vị mua hàng; thời gian xuất hóa đơn GTGT khống; tên hàng hóa, dịch vụ; số tiền cần xuất khống; các thông tin để lập các hợp đồng, chứng từ khống kèm theo hóa đơn GTGT khống,…tài khoản để thực hiện việc nộp, chuyển và rút tiền hợp thức hóa chứng từ thanh toán cho các hóa đơn GTGT xuất khống). Sau khi thỏa thuận, thống nhất với doanh nghiệp có nhu cầu mua hóa đơn GTGT khống, các bị can trên chỉ đạo nhân viên nộp tiền mặt hoặc dùng Internet Banking chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp mua hóa đơn GTGT, ngay sau đó dùng Ủy nhiệm chi (do doanh nghiệp có nhu cầu mua hóa đơn GTGT cung cấp) hoặc yêu cầu các doanh nghiệp mua hóa đơn GTGT chuyển số tiền này đến tài khoản của doanh nghiệp “ma” để hợp thức hóa chứng từ thanh toán cho các hóa đơn GTGT khống. Sau đó, các nhân viên sẽ rút tiền mặt hoặc dùng Internet Banking chuyển tiền từ tài khoản của doanh nghiệp xuất hóa đơn GTGT khống đến tài khoản cá nhân của chính bị can hoặc tài khoản của người khác do bị can mượn để nhận tiền. 

Để thực hiện việc xuất bán hóa đơn GTGT khống như trên, Bùi Văn Bảo, Trần Văn Thịnh, Bùi Thanh Bình, Phạm Minh Cường và Nguyễn Khắc Điền đã có 37 đối tượng giúp sức trong việc thành lập công ty “ma”, thực hiện việc tạo dòng tiền bằng cách nộp tiền, rút tiền; lập hợp đồng, chứng từ khống; theo dõi thống kê số lượng hóa đơn GTGT khống đã xuất bán cho 36 đối tượng trung gian và các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu. Cơ quan điều tra đã khởi tố, VKSND tối cao (Vụ 1) đã truy tố 15 bị can giúp sức, 28 bị can trung gian; số còn lại sẽ tiếp tục giải quyết tại giai đoạn 2 của vụ án.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về hành vi, thủ đoạn, tội danh của các bị can trong vụ án, trong đó có các bị can nguyên là cán bộ, công chức thuộc ngành Thuế.

Văn Tình - Hương Lan