Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 12 bị can khác trong vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị VKSND tối cao (Vụ 3) truy tố bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC) và 12 bị can về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự.
|
|
Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn. |
Đối với bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, đây là vụ án thứ 5 bà Nhàn bị xử lý hình sự.
Tại Bản án sơ thẩm ngày 4/1/2023 của TAND TP Hà Nội và Bản án phúc thẩm ngày 24/5/2023 của TAND cấp cao tại Hà Nội xử phạt bị cáo Nhàn mức án 16 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và 14 năm tù về tội Đưa hối lộ. Hình phạt cho cả hai tội là 30 năm tù.
Bản án sơ thẩm ngày 26/2/2024 của TAND tỉnh Quảng Ninh, bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội xử phạt bị cáo Nhàn 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bản án sơ thẩm ngày 12/7/2024 của TAND TPHCM xử phạt bị cáo Nhàn 12 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và 12 năm tù về tội Đưa hối lộ. Tổng hình phạt chung cho 3 bản án đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn là 30 năm tù.
Các bị can khác gồm: Đỗ Văn Sơn (SN 1977, cựu Trưởng Ban quản lý dự án 2 Công ty AIC);
Nguyễn Văn Thế (SN 1977, cựu Trưởng ban KT 7 Công ty AIC);
Nguyễn Trọng Đường (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, cựu Giám đốc VNCERT);
Ngô Quang Huy (cựu Phó Chánh Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông, cựu Phó Giám đốc VNCERT);
Nguyễn Vũ Cường (SN 1973, Giám đốc Công ty Khang Phát); Mai Phương Nam (1977, Phó giám đốc Công ty Khang Phát);
Đặng Xuân Minh (SN 1977, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty BTCVALUE); Nguyễn Quốc Việt (SN 1977, Thẩm định viên Công ty cổ phần Thẩm định giá BTC VALUE);
Trần Duy Hiếu (SN 1967, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông);
Nguyễn Huy Hùng (SN 1977, cựu Chuyên viên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông);
Trần Nguyên Chung (SN 1976, Trưởng phòng An toàn hệ thống thông tin, Cục an toàn thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông, cựu Trưởng Ban Quản lý dự án VNCERT);
Nguyễn Thị Ánh Hồng (SN 1989, cựu Chuyên viên VNCERT).
|
|
Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn và một số bị can trong vụ án. |
Theo kết luận điều tra, Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn thành lập, điều hành hoạt động của Công ty AIC và các Công ty trong hệ sinh thái (Công ty Mopha, Công ty Cổ phần Tư vấn công nghệ cao, Công ty Cổ phần Tri thức và Công nghệ cao Quốc tế).
Ngay từ giai đoạn VNCERT xây dựng danh mục trang thiết bị và phần mềm của Dự án, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo Nguyễn Văn Thế phối hợp với VNCERT để đưa các hãng bán hàng giới thiệu sản phẩm, xác định nhu cầu mua sắm của Chủ đầu tư để đàm phán giá đầu ra với các hãng bán hàng để thống nhất giá dự toán với Chủ đầu tư của Dự án, đảm bảo Công ty AIC được lợi nhuận 40% và được định hướng là đơn vị sẽ trúng thầu cung cấp thiết bị.
Sau khi Chủ đầu tư triển khai các bước xin phê duyệt, hợp thức các bước tư vấn dựa trên danh mục và giá thiết bị đã thống nhất giữa Công ty AIC và Chủ đầu tư, Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục chỉ đạo Đỗ Văn Sơn, Trưởng ban Quản lý dự án 2 thiết lập “Quân xanh ”, “Quân đỏ ” để dự thầu với mục đích để Công ty AIC trúng gói thầu số 08.
Kết luận nêu rõ, hành vi của Nguyễn Thị Thanh Nhàn với vai trò chủ mưu, cầm đầu đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 17,2 tỉ đồng, phạm vào tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm cá nhân và cản trở hoạt động điều tra; nên cần xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.