Chiều 5/8, trao đổi với Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em (Cục Trẻ em, Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội) cho biết, sáng nay, Cục Trẻ em đã có công văn gửi Sở Lao động –Thương Binh và Xã hội tỉnh Bình Dương về việc hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, liên quan đến vụ bé trai bị người đàn ông đánh đập tàn nhẫn, gây bức xúc trong dư luận.

Trước đó, vào khoảng 22h ngày 4/8, trên fanpage của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em cũng nhận được nhiều tin nhắn của người dân thông báo về video ghi lại cảnh một bé trai bị đánh đập dã man được chia sẻ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, tin báo không rõ thông tin địa chỉ và nhân thân bé trai bị đánh đập.

Sau khi tiếp nhận vụ việc, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã đề nghị Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an, xác minh thông tin sự việc.

leftcenterrightdel
Đối tượng Lê Hoài Nam.  

Sáng ngày 5/8, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phản hồi thông tin là đã tiến hành xác minh và bước đầu xác định vụ việc xảy ra tại phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, Bình Dương.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Hoa, vào lúc 6 giờ sáng nay, Tổng đài 111 cũng nhận được cuộc gọi của bố ruột cháu bé phản ánh về việc con trai mình bị bạn trai của mẹ bạo hành.

Nội dung công văn của Cục Trẻ em nêu rõ, vào ngày 4/8 và 5/8, trên mạng xã hội và báo chí có đăng tải đoạn video clip một người đàn ông có hành vi bạo lực tàn nhẫn với một bé trai (khoảng 5 tuổi), gây bức xúc dư luận tại phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, Bình Dương.

Video dài khoảng 4 phút cho thấy, người đàn ông liên tục dùng tay, chân đấm, đá vào người bé trai trong tình trạng cháu không mặc quần áo. Mặc dù cháu liên tục van xin nhưng người đàn ông này không dừng tay mà còn liên tục tát, dùng chân đạp, thậm chí, nhấc bổng cháu lên cao và đập xuống đất.

Để bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em, Cục Trẻ em đề nghị Sở Lao động –Thương Binh và Xã hội tỉnh Bình Dương phối hợp với cơ quan công an và cơ quan chức năng nhanh chóng kiểm tra, xác minh thông tin, xử lý nghiêm minh hành vị bạo lực trẻ em và thực hiện hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo lực.

Cục Trẻ em cũng đề nghị Sở Lao động –Thương Binh và Xã hội tỉnh Bình Dương tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, tăng cường phòng chống bao lực, xâm hại trẻ em trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh đối tượng Lê Hoài Nam đánh đập dã man cháu P.A. gây phẫn nộ dư luận. 

Cục Trẻ em cũng yêu cầu Sở Lao động –Thương Binh và Xã hội tỉnh Bình Dương báo cáo kết quả giải quyết vụ việc về Cục Trẻ em trước ngày 12/8.

Vào đêm 4/8, Công an phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, Bình Dương đã tạm giữ Lê Hoài Nam (29 tuổi, ngụ quận 8, TP HCM) để lấy lời khai, điều tra hành vi bạo hành trẻ em.

Địa chỉ xảy ra vụ việc bạo hành trên là một căn nhà trên đường Mỹ Phước Tân Vạn, phường Bình Chuẩn.

Bé trai trong clip bị bạo hành là cháu N.P.A. (5 tuổi). Cháu A. không phải con ruột của Lê Hoài Nam.

Ngày 5/8, Công an phường Bình Chuẩn đã bàn giao Lê Hoài Nam cho Công an TP Thuận An để điều tra, xử lý nghiêm đối tượng theo đúng quy định pháp luật.

Đối tượng Lê Hoài Nam là người đánh đập em bé trong một clip được đăng tải trên mạng xã hội gây phẫn nộ dư luận.

Tăng cường bảo vệ trẻ em trong đại dịch COVID-19

Vào đầu tháng 6, Bộ Lao động –Thương Binh và Xã hội đã có Công điện số 04 về việc tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch COVID-19 và phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em trong mùa hè.

Trong đó, nội dung công điện nhấn mạnh, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng triển khai các biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bảo đảm an toàn, phòng, chống lây nhiễm COVID-19, phòng, chống xâm hại trẻ em ở gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, khu công nghiệp và các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội.

Tăng cường truyền thông về trách nhiệm, phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh và phòng, chống đuối nước trẻ em. Tuyên truyền trên báo, đài ở các cấp; in ấn cấp phát tài liệu, tờ rơi, sách mỏng đến hộ gia đình, cộng đồng dân cư và trẻ em các sản phẩm truyền thông do Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và một số tổ chức quốc tế hướng dẫn, ban hành.

Vũ Phương