Xung quanh vấn đề này, Báo Bảo vệ pháp luật có cuộc trao đổi với bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện tổ chức Wildlife Conservation Society, Văn phòng đại diện tại Việt Nam (WCS Việt Nam).

Phóng viên (PV): Dưới góc nhìn chuyên gia, bà nhận định như thế nào về tình trạng săn bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) hiện nay ở Việt Nam và thế giới?

Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện WCS Việt Nam: Hiện nay, Việt Nam đang được xem là một trong những điểm nóng về buôn bán động, thực vật hoang dã trên thế giới. Bên cạnh đó, nghiên cứu và phân tích của Cơ quan điều tra môi trường EIA  (2018) đã chỉ ra nhiều nhóm tội phạm có tổ chức, có sự tham gia của người Việt Nam đang hoạt động tại Mozambique và các quốc gia châu Phi khác để buôn lậu ĐVHD về Việt Nam và/hoặc trung chuyển qua Việt Nam. Các tổ chức tội phạm này có nhiều chiêu trò, phương thức che giấu tinh vi, và sử dụng các đối tượng vận chuyển hàng hóa trên nhiều tuyến đường. Là một tuyến trung chuyển quan trọng cho các lô hàng ngà voi lớn sang Trung Quốc, Việt Nam được đánh giá là quốc gia "sở hữu" ngành công nghiệp chế tác đang phát triển và là một trong những thị trường buôn bán ngà voi lớn nhất thế giới.

Về hoạt động vận chuyển: Các cảng biển và cảng hàng không ở Việt Nam vẫn tiếp tục bị các đối tượng tận dụng để vận chuyển trái phép sừng tê giác, ngà voi, xương sư tử, vảy tê tê từ châu Phi về Việt Nam. Điển hình là vụ việc phát hiện 1 container có chứa khoảng 7 tấn ngà voi tại cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng) vào ngày 20/3/2023. Lô hàng này được khai báo là hạt lạc và xuất phát từ Angola và trung chuyển qua Singapore. Đây là lần đầu tiên WCS ghi nhận vụ việc vận chuyển trái phép số lượng lớn ngà voi bằng đường biển từ Angola về Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện WCS Việt Nam.

Về hoạt động buôn bán: Theo số liệu từ các nguồn mở ghi nhận của WCS, trong giai đoạn 2018 – 2022, WCS đã ghi nhận được 918 vụ bắt giữ liên quan đến ĐVHD (trung bình 184 vụ/năm), trong đó số lượng vụ việc trong giai đoạn COVID-19 (2020-2021) có giảm nhẹ so với giai đoạn trước đó (2018-2019). Tuy nhiên, tình hình vi phạm có xu hướng tăng trở lại từ năm 2022 khi việc giãn cách xã hội dần dần được gỡ bỏ. Đặc biệt, trong năm 2023 vừa qua tại Việt Nam, có ít nhất 204 vụ việc phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD, liên quan đến ít nhất 30 loài bị xâm hại, trong đó các loài phổ biến nhất là tê tê, voi, rùa, hổ, tê giác và các loài khác như kỳ đà, cày, rắn, khỉ…với ít nhất 1.315 cá thể các loài ĐVHD và 15.744 kg sản phẩm ĐVHD bị bắt giữ. Trong đó, ngà voi và vảy tê tê là các sản phẩm ĐVHD có khối lượng bị thu giữ nhiều nhất (7,6 tấn ngà voi và 5,4 tấn vảy tê tê), trong khi rùa là loài có số lượng cá thể bị thu giữ nhiều nhất (215 cá thể). 

PV: Hiện nay, tình hình buôn bán ĐVHD diễn ra phức tạp trên các trang mạng xã hội. Thủ đoạn buôn bán, hình thức tiếp nhận ĐVHD ngày càng tinh vi. Chuyên gia đánh giá thực trạng này thông qua các kênh truyền thông báo chí mà WCS Việt Nam đã triển khai? 

Bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện WCS Việt Nam:  Với sự phát triển của thương mại điện tử, sự đa dạng và tiện ích của các loại hình giao nhận vận chuyển và các loại hình thanh toán trực tuyến, hoạt động buôn bán ĐVHD trên các nền tảng trực tuyến có dấu hiệu gia tăng cả về số lượng và tính đa dạng của sản phẩm.

Để đánh giá thực trạng này, WCS đã tiến hành nghiên cứu tình hình quảng cáo, buôn bán ĐVHD trên các nền tảng trực tuyến, bao gồm các nền tảng mạng xã hội (MXH) trong giai đoạn từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2022. Một số kết quả chính của nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Mặc dù ĐVHD không phải là chủ đề trao đổi phổ biến trên các trang MXH so với các chủ đề môi trường khác, nhưng trong chủ đề về ĐVHD, buôn bán và tiêu thụ là chủ đề phổ biến nhất và chiếm 69,8% tổng số cuộc thảo luận về ĐVHD (trong số các chủ đề khác bao gồm bảo tồn, tin tức đời sống, ĐVHD nói chung, luật pháp liên quan). Facebook là nền tảng được sử dụng nhiều nhất với 96,5% tất cả các thảo luận về chủ đề ĐVHD.

Về chủ đề buôn bán ĐVHD, lượng tương tác trên các MXH mặc dù có giảm dần trong giai đoạn COVID-19 vào cuối năm 2020 nhưng sau đó lại tăng dần vào cuối năm 2021. Facebook là nền tảng tạo ra các thảo luận chính về buôn bán ĐVHD (98% lượng tương tác).

Hầu hết các tài khoản buôn bán ĐVHD không công bố vị trí thực tế và lựa chọn phương thức liên lạc qua ứng dụng nhắn tin (Messenger, Zalo) và điện thoại. Sau khi thống nhất giao dịch, ĐVHD có thể được vận chuyển đến người mua chủ yếu bằng xe khách, xe buýt, xe limousine và thông qua các dịch vụ giao nhận. Các giao dịch cũng được thực hiện chủ yếu thông qua chuyển khoản ngân hàng hoặc các ứng dụng chuyển tiền, hoặc tiền mặt (đặc biệt là dịch vụ Trả tiền khi giao hàng).

Theo kết quả nghiên cứu trên trong số các bài đăng và bình luận liên quan đến buôn bán ĐVHD có nhắc đến phương thức thanh toán, có 83,4% (13.848/16.604) có nhắc đến các kênh thanh toán qua ngân hàng hoặc ví điện tử. Các giao dịch có thể có giá trị từ vài chục, đến vài trăm nghìn đồng, đến hàng trăm triệu đồng.

leftcenterrightdel
 Vụ 13, VKSND tối cao và WCS Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khởi động “Chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ nòng cốt trong phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam - Giai đoạn 2”. Ảnh: Nhật Minh.

PV: VKSND giữ vai trò thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc. Được biết, trong nhiều năm qua, WCS Việt Nam đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho Kiểm sát viên về giải quyết các vụ án Vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm. Vậy, liên quan đến việc phòng ngừa, đấu tranh với hành vi buôn bán trái phép ĐVHD trên không gian mạng thì WCS Việt Nam đã có hoạt động cụ thể nào để giúp Kiểm sát viên thực hiện tốt nhiệm vụ này, thưa bà?  

 Bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện WCS Việt Nam: Nhận thức mức độ nghiêm trọng của hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD trên mạng xã hội và được sự đồng ý của Lãnh đạo VKSND tối cao, trong thời gian qua, WCS Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của VKSND tối cao, VKSND địa phương triển khai các nội dung hướng dẫn liên quan đến việc khai thác và xử lý các thông tin trên internet và chứng cứ điện tử. Những nội dung này không những áp dụng cho việc giải quyết vụ án về ĐVHD nói riêng mà Kiểm sát viên có thể áp dụng cho các vụ án hình sự nói chung, cụ thể như:

WCS Việt Nam phối hợp với Cơ quan điều tra, VKSND tối cao tổ chức tập huấn về “Kỹ năng khai thác thông tin từ nguồn mở và dữ liệu điện tử trong điều tra các vụ án hình sự”. Các Kiểm sát viên được các chuyên gia pháp y kỹ thuật số giới thiệu và hướng dẫn thực hành các công cụ điều tra từ nguồn mở để tiến hành điều tra trên mạng internet nói chung, điều tra mạng xã hội, điều tra email, điều tra tiền ảo nói riêng. Bên cạnh đó, các thao tác trích xuất, bảo quản, phục hồi, đánh giá và sử dụng dữ liệu điện tử.

Trong nhiều chương trình tập huấn, hội thảo của WCS Việt Nam và các đơn vị như: Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14), VKSND tối cao, Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Hồ Chí Minh, Đại học Kiểm sát Hà Nội và các VKSND địa phương đã lồng ghép các nội dung trao đổi, hướng dẫn về việc thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ là dữ liệu điện tử nhằm giúp Kiểm sát viên tăng cường các kỹ năng khai thác giá trị chứng minh của loại chứng cứ này, từ đó hỗ trợ cho việc đấu tranh với các hành vi buôn bán trái pháp luật ĐVHD trên không gian mạng.

WCS Việt Nam cũng đã phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13), VKSND tối cao tổ chức Hội thảo khởi động “Chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ nòng cốt trong phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam - Giai đoạn 2” dành cho các cán bộ thuộc ngành Kiểm sát. Đây là sáng kiến toàn cầu do tổ chức WCS xây dựng và thực hiện thí điểm tại Việt Nam và Indonesia từ năm 2021, thông qua sự tài trợ của Cục Phòng, chống Ma túy và Thực thi pháp luật quốc tế (INL), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Chương trình tập trung các kỹ năng được thiết kế dành riêng cho các cán bộ kiểm sát, bao gồm: kỹ năng tranh tụng, quản lý vụ việc, thu thập, quản lý và sử dụng chứng cứ, tương trợ tư pháp về hình sự trong giải quyết các vụ án về động vật hoang dã.

Chúng tôi cũng nhận thấy, thời gian qua, VKSND các cấp đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, hiệu quả các đối tượng phạm tội, các vụ án Vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm theo Danh mục thuộc phụ lục Công ước CITES. Qua đó, góp phần giáo dục, răn đe, phòng ngừa các loại tội phạm liên quan đến xâm hại động vật hoang dã được bảo vệ.

Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên trong thực thi nhiệm vụ công tố xử lý, giải quyết các vụ án hình sự liên quan bảo vệ động vật hoang dã, WCS Việt Nam phối hợp với Báo Bảo vệ pháp luật tổ chức tập huấn cho các nhà báo, phóng viên về kỹ năng tuyên truyền; Xây dựng các chương trình truyền thông về những tác động tiêu cực của việc săn bắt, sử dụng, vận chuyển, buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tới sức khỏe, đời sống xã hội, kinh tế, môi trường; Những khuyến nghị từ các Kiểm sát viên và chuyên gia…

PV: Theo bà, đâu là những khó khăn trong việc thực thi các quy định của pháp luật để xử lý tội phạm buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã qua mạng xã hội; đặc biệt những đối tượng áp dụng công nghệ cao vào hoạt động phạm tội như hiện nay?

 Bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện WCS Việt Nam: Theo báo cáo về tình hình công nghệ số tại Việt Nam 2023, số người sử dụng Internet ở Việt Nam khoảng 77 triệu người, chiếm 79.1% dân số. Hoạt động kinh doanh trên các nền tảng xã hội cũng gia tăng, bao gồm các hoạt động buôn bán trái pháp luật ĐVHD và sản phẩm của chúng.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Theo số liệu do WCS Việt Nam ghi nhận, trong giai đoạn 2018-2022, có 98 vụ bắt giữ, xử lý có ghi nhận các đối tượng phạm tội sử dụng không gian mạng để quảng cáo, buôn bán trái pháp luật ĐVHD; và số vụ bắt giữ này nhìn chung tăng theo thời gian (15 vụ vào năm 2018; 13 vụ vào năm 2019; 18 vụ vào năm 2020; 16 vụ vào năm 2021 và 36 vụ vào năm 2022). Tuy nhiên, việc đấu tranh, xử lý hoạt động buôn bán ĐVHD này còn nhiều khó khăn, thách thức.

leftcenterrightdel
 Các cơ quan chức năng đã tăng cường phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi buôn bán trái pháp luật ĐVHD. Ảnh: MH

Khó khăn lớn nhất trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán trái pháp luật ĐVHD trên không gian mạng, đó là, khó xác định chính xác đối tượng mua bán ĐVHD trên không gian mạng để xử lý. Do các đối tượng lợi dụng tính ẩn danh trên không gian mạng để hoạt động phạm tội như các ứng dụng OTT có mã hóa đầu cuối tin nhắn: telegram; sử dụng sim “rác”, sử dụng dịch vụ thuê sim, và thậm chí thuê đầu số nước ngoài để đăng ký các dịch vụ; sử dụng mạng riêng ảo (VPN), trình duyệt ẩn danh (Tor) để hoạt động. Các đối tượng còn sử dụng tên miền, máy chủ đặt tại nước ngoài; sử dụng nền tảng mạng xã hội, ứng dụng do nước ngoài cung cấp (lợi dụng yếu tố quốc tế của không gian mạng) nhằm tránh sự truy vết của cơ quan chức năng. Việc các đối tượng sử dụng các dịch vụ chuyển tiền tại các cửa hàng dịch vụ viễn thông, sử dụng tài khoản của người khác để thanh toán khi mua bán ĐVHD cũng gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc xác minh nhân thân của các đối tượng và có căn cứ để buộc tội các đối tượng này. Mặc dù, hiện nay các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, công ty điện tử thiết lập Liên minh chấm dứt buôn bán trực tuyến ĐVHD, chủ động gỡ bỏ hoặc cảnh báo với các bài đăng có từ ngữ, hình ảnh liên quan đến ĐVHD, tuy nhiên các đối tượng sử dụng các “từ lóng”, hình ảnh, ký tự để thay thế từ liên quan đến ĐVHD, liên tục lập các tài khoản mới, sử dụng mạng lưới cộng tác viên để tăng độ phủ và tương tác trên các nền tảng buôn bán trực tuyến hoặc sử dụng các hội, nhóm kín, duyệt thành viên để đảm bảo tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

Công tác phối hợp với các Nhà cung cấp internet (ISP), tổ chức tài chính và cung cấp dịch vụ tài chính (ngân hàng, ví điện tử) còn nhiều bất cập. Một số doanh nghiệp viễn thông, internet, ngân hàng chưa cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp chưa đầy đủ, thời gian kéo dài gây ảnh hưởng quá trình xác minh, điều tra vụ án, giúp đối tượng có thời gian xóa dấu vết. Một số ngân hàng đã triển khai dịch vụ chuyển tiền dành cho điện thoại Mobile Banking nhưng hệ thống của dịch vụ này không lưu địa chỉ IP của khách hàng.

Ngoài ra, năng lực của các cán bộ trực tiếp phụ trách trong giai đoạn thu thập thông tin và xử lý thông tin, dữ liệu điện tử đôi khi còn chưa tốt. Mặt khác, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD trên không gian mạng cũng chưa nằm trong các mảng công việc ưu tiên của các lực lượng liên quan.

Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng thì sự vào cuộc của các khối tư nhân liên quan như: các đơn vị cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, giao nhận vận tải, thanh toán trực tuyến cũng góp phần quan trọng trong việc phát hiện, xử lý các hành vi buôn bán ĐVHD trên không gian mạng. Mặc dù, các tổ chức, dự án đã và đang thực hiện các hoạt động tăng cường sự tham gia, tăng cường năng lực của các khối tư nhân này. Tuy nhiên, mới dừng lại ở bước kêu gọi sự tham gia và khuyến khích hành động.  

*Mọi hành vi lưu giữ, quảng cáo, kinh doanh các loài ĐVHD và sản phẩm, bộ phận từ ĐVHD mà không có nguồn gốc hợp pháp hoàn toàn bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Tùy theo loài, tính chất, mức độ nghiêm trọng, hành vi nuôi nhốt, săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt ĐVHD hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, sản phẩm, bộ phận liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 15 năm tù đối với cá nhân theo Điều 190, 191, 234, 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc xử phạt vi phạm hành chính lên đến 400 triệu đồng đối với cá nhân theo Điều 21, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP) hoặc Điều 41 Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

*Hành vi quảng cáo bán trái phép các sản phẩm ĐVHD (không phân biệt là hàng thật hay hàng giả) dù là trên mạng internet cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với cá nhân theo Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP hoặc Điều 16 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP).


Lê Kim (thực hiện)