Toàn quốc có 66 tổ chức giám định kỹ thuật hình sự
Bộ Tư pháp vừa có Tờ trình số 88/TTr-BTP ngày 25/10/2024 gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Giám định tư pháp (sửa đổi).
Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giám định tư pháp đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Các văn bản nêu trên có nhiều quy định tác động trực tiếp đến tổ chức và hoạt động giám định tư pháp. Để triển khai chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về công tác giám định tư pháp bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật thì việc rà soát, hoàn thiện pháp luật về giám định tư pháp đảm bảo đồng bộ, thống nhất là yêu cầu cần thiết. Vì vậy, Chính phủ đã có chủ trương trình Quốc hội xem xét dự án Luật Giám định tư pháp (sửa đổi).
Bên cạnh đó, triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), công tác giám định có những bước chuyển biến tích cực, ngày càng nền nếp, hiệu quả; hệ thống các quy định pháp luật về giám định tư pháp ở các lĩnh vực tiếp tục được hoàn thiện; đội ngũ người làm giám định tư pháp, hệ thống tổ chức giám định tư pháp tiếp tục được củng cố và phát triển; hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ngày càng được nâng cao; quản lý nhà nước về giám định tư pháp từng bước đổi mới, đi vào chiều sâu và toàn diện hơn. Nhìn chung, về cơ bản phục vụ đắc lực hơn cho hoạt động tố tụng.
Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là về tham nhũng, kinh tế, công tác giám định tư pháp đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung.
Theo báo cáo, đến nay, toàn quốc có 66 tổ chức giám định kỹ thuật hình sự, trong đó có 64 tổ chức trong lực lượng CAND, 1 tổ chức trong Quân đội và 1 tổ chức trong ngành Kiểm sát. Từ năm 2018 đến 30/6/2023, hệ thống tổ chức, người giám định tư pháp ở các lĩnh vực đã thực hiện 1.039.699 vụ việc.
Trong đó, Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Văn phòng VKSND tối cao được thành lập theo Quyết định số 77/QĐ-VKSNDTC ngày 25/2/2021 theo quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật Giám định tư pháp được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử). Đến nay, Phòng Giám định kỹ thuật hình sự đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động; bắt đầu hoạt động trên thực tế. Ngành Kiểm sát đã đầu tư, bố trí cơ sở vật chất, một số trang thiết bị, phương tiện làm việc cơ bản và đang triển khai thủ tục mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động chuyên môn.
Từ năm 2018 đến 30/6/2023, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã ban hành 368 quyết định trưng cầu giám định, trong đó chủ yếu là giám định âm thanh, chữ viết, dấu vết vân tay (thuộc lĩnh vực kỹ thuật hình sự), giám định thương tích, dấu vết trên thân thể, nguyên nhân chết (thuộc lĩnh vực giám định pháp y). Bên cạnh đó, cơ quan này đã trưng cầu giám định bổ sung 34 trường hợp, trưng cầu giám định lại 14 trường hợp.
VKSND các cấp đã ban hành 227 quyết định trưng cầu giám định, chủ yếu là về giám định kỹ thuật hình sự và giám định pháp y tâm thần trong giai đoạn truy tố.
|
|
Các Giám định viên tư pháp giám định văn bằng chứng chỉ giả. (Ảnh minh hoạ) |
Quy định về trách nhiệm của TAND tối cao, VKSND tối cao
Cũng theo Bộ Tư pháp cho biết, trong hoạt động tố tụng, nhất là tố tụng hình sự, kết luận giám định được quy định là một nguồn chứng cứ, do vậy kết luận giám định có vị trí, vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều tra, truy tố, xét xử. Trong nhiều trường hợp, kết luận giám định là chứng cứ duy nhất để chứng minh tội phạm, xác định nguyên nhân vụ việc. Thực tế hoạt động tố tụng trong thời gian qua cho thấy việc sử dụng kết luận giám định là yếu tố giúp cơ quan điều tra có cơ sở xác định được thủ phạm gây án, công cụ, phương tiện phạm tội cũng như thủ đoạn thực hiện tội phạm... là cơ sở để áp dụng các biện pháp điều tra phù hợp, có hiệu quả.
Bên cạnh đó, kết luận giám định giúp cơ quan điều tra xác định đối tượng tác động của tội phạm và những thiệt hại do tội phạm gây ra trên các phương diện như: Thiệt hại về tài sản, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng; xác định nguyên nhân, điều kiện xảy ra phạm tội...; thông qua kết luận giám định giúp cơ quan điều tra xác định năng lực trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo, người làm chứng...
Tại dự kiến đề cương chi tiết Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) nêu rõ trách nhiệm của TAND tối cao, VKSND tối cao. Theo đó, sửa Điều 44 Luật Giám định tư pháp hiện hành, cụ thể sửa đổi quy định tại khoản 2 theo hướng: VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp ban hành quy định về chỉ tiêu thống kê và tổ chức thực hiện thống kê, tổng hợp số liệu thống kê về số trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp, số kết luận giám định được sử dụng trên tổng án hình sự trong hệ thống hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng; dự báo trong năm tiếp theo; tình hình, đánh giá, sử dụng kết luận giám định trong hoạt động tố tụng hình sự; hằng năm báo cáo Quốc hội và gửi Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ quản lý nhà nước về giám định tư pháp.
TAND tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và cơ quan có liên quan ban hành quy định về chỉ tiêu thống kê và tổ chức thực hiện thống kê về số trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp, số kết luận giám định được sử dụng trong tố tụng dân sự, hành chính trong hệ thống Toà án, dự báo trong năm tiếp theo; tình hình, đánh giá, sử dụng kết luận giám định trong hoạt động tố tụng hình sự; hằng năm báo cáo Quốc hội và gửi Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ quản lý nhà nước về giám định tư pháp.
Bỏ quy định khoản 3 hiện hành; đồng thời, bổ sung khoản 3 về trách nhiệm của Toà án, Viện kiểm sát cấp tỉnh trong việc thực hiện thống kê và gửi thông tin, số liệu thống kê trưng cầu, yêu cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định trong hoạt động tố tụng thuộc thẩm quyền phụ trách ở địa phương; định kỳ hằng năm báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và gửi thông tin, báo cáo Sở Tư pháp cho Sở Tư pháp phục vụ quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương (trên cơ sở nội dung tương ứng tại khoản 2 hiện hành).
Bổ sung khoản mới quy định: Hằng năm, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND tối cao, TAND tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và cơ quan có liên quan tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức, kỹ năng trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp cho đội ngũ người tiến hành tố tụng thuộc thẩm quyền quản lý.
Đề nghị xây dựng dự án Luật đề cập đến 3 chính sách lớn, gồm: Củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ người giám định tư pháp và tổ chức giám định tư pháp; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, bộ, ngành quản lý chuyên môn và địa phương nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giám định tư pháp. Mỗi nhóm chính sách này sẽ bao gồm các chính sách cụ thể, trong đó, có chính sách kế thừa, cụ thể hóa quy định hiện hành và có chính sách mới. |