Về phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, dự thảo Thông tư nêu rõ, giám định tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội là hoạt động giám định trong các lĩnh vực: Lao động, tiền lương; việc làm; giáo dục nghề nghiệp; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội. 

Thẩm quyền giám định tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội gồm: Hội đồng giám định do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập, thực hiện giám định tư pháp lại lần thứ hai trong trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định.

Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện giám định tư pháp lần đầu, giám định lại và giám định bổ sung (nếu có).

Về tiêu chuẩn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, dự thảo Thông tư quy định, công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp: Có sức khoẻ, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ đại học trở lên; có thời gian hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực lao động, người có công và xã hội từ đủ 5 năm trở lên tính từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức hoặc ký hợp đồng lao động, phù hợp với lĩnh vực mà người đó được bổ nhiệm. 

Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn trên có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.

Quy trình giám định tư pháp gồm: Tiếp nhận trưng cầu giám định; tiếp nhận đối tượng giám định và tài liệu, đồ vật có liên quan; chuẩn bị giám định; thực hiện giám định; kết luận giám định.

Về thực hiện giám định tư pháp, dự thảo Thông tư quy định, Hội đồng giám định, giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định như sau: Căn cứ từng nội dung được trưng cầu giám định nghiên cứu, đối chiếu nội dung hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu được cung cấp đối chiếu với quy chuẩn chuyên môn để đưa ra nhận xét, đánh giá từng nội dung yêu cầu giám định cụ thể.

Ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình giám định, kết quả thực hiện giám định bằng văn bản và được lưu trong hồ sơ giám định; đồng thời, xây dựng kết luận giám định.

P.V