Thông tư liên tịch (TTLT) này quy định quan hệ phối hợp và trách nhiệm trong hoạt động trưng cầu giám định tư pháp về hình sự giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, VKSND tối cao, TAND tối cao.

TTLT quy định quan hệ phối hợp và trách nhiệm giữa người trưng cầu giám định với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong công tác trưng cầu giám định, tiến hành giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp về hình sự.

TTLT này áp dụng đối với người  trưng cầu giám định bao gồm: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp bao gồm: Giám định viên tư pháp; người giám định tư pháp theo vụ việc; tổ chức giám định tư pháp công lập; tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động trưng cầu giám định tư pháp và tiến hành giám định tư pháp về hình sự.

Về nguyên tắc phối hợp, dự thảo TTLT nêu rõ: Việc trưng cầu giám định và tiến hành giám định phải tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn và quy trình giám định của từng cơ quan mà pháp luật quy định để làm rõ những vấn đề phải chứng minh trong vụ án, vụ việc.

Người trưng cầu giám định phải căn cứ theo yêu cầu của pháp luật để ra quyết định trưng cầu giám định. Không được lạm dụng việc trưng cầu giám định để kéo dài thời hạn tố tụng.

Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định. Không được đùn đẩy trách nhiệm, né tránh, cản trở hoạt động điều tra. Bảo đảm tính chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, tạo điều kiện hỗ trợ nhau trong thực hiện nhiệm vụ.

Người trưng cầu giám định và cá nhân, tổ chức giám định phải phối hợp chặt chẽ, kịp thời để xác định đúng thẩm quyền, lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần giám định, nội dung trưng cầu, thời hạn giám định theo quy định của pháp luật.

Bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật và quy định của mỗi cơ quan.

Trường hợp người trưng cầu giám định và cá nhân, tổ chức giám định vi phạm hoạt động trưng cầu giám định tư pháp về hình sự thì tùy tính chất, mức độ có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

TTLT cũng quy định cụ thể về các nội dung phối hợp. Theo đó, quá trình trưng cầu giám định, người trưng cầu giám định và cá nhân, tổ chức giám định phối hợp thực hiện các nội dung sau: Phối hợp trong chuẩn bị trưng cầu giám định; Phối hợp trong việc ban hành quyết định trưng cầu giám định; Phối hợp trong quá trình tiến hành giám định; Phối hợp đánh giá, sử dụng kết luận giám định.

Đáng chú ý, theo dự thảo TTLT quy định, trường hợp giải quyết vụ án, vụ việc về kinh tế, tham nhũng thì thực hiện theo Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 của VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.

P.V