Thông tư này quy định về phạm vi các việc giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp; quy chuẩn chuyên môn áp dụng cho hoạt động giám định tư pháp; thời hạn giám định tư pháp; Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; quy trình giám định, tiếp nhận, thực hiện giám định tư pháp; hồ sơ, lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp.

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp.

Về phạm vi các việc giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp, dự thảo Thông tư nêu rõ, giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp là việc giám định ở một trong những lĩnh vực chuyên môn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, bao gồm: Giám định tư pháp về đấu giá tài sản, công chứng, thừa phát lại; Giám định tư pháp về chứng thực; Giám định tư pháp về xử phạt vi phạm hành chính; Giám định tư pháp về thi hành án dân sự; Giám định tư pháp về nội dung chuyên môn khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ. (Nguồn: TTXVN)

Dự thảo Thông tư cũng quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm Giám định viên tư pháp; công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc; cử người thực hiện giám định. Cụ thể, công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét, bổ nhiệm Giám định viên tư pháp hoặc công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tư pháp:

a) Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp;

b) Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành luật hoặc chuyên ngành khác phù hợp với chức danh hoặc vị trí việc làm, do cơ sở giáo dục của Việt Nam đào tạo theo quy định của pháp luật hoặc do cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo và được công nhận để sử dụng tại Việt Nam;

c) Có thời gian hoạt động chuyên môn thực tế ở lĩnh vực hoặc chuyên ngành giám định được đề nghị bổ nhiệm hoặc công nhận từ đủ 5 năm trở lên tính từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức hoặc đăng ký hành nghề trong lĩnh vực tư pháp.

Trường hợp việc cần giám định chưa có Giám định viên tư pháp hoặc người giám định tư pháp theo vụ việc được công nhận thì có thể lựa chọn, cử người thực hiện giám định là công chức, viên chức công tác tại cơ quan, đơn vị trong ngành tư pháp hoặc người hoạt động nghề nghiệp trong lĩnh vực tư pháp có đủ các tiêu chuẩn sau: a) Tiêu chuẩn quy định tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều này; b) Có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực cần giám định từ 5 năm trở lên.

Việc thực hiện giám định trong lĩnh vực tư pháp được thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau: Giao nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định; Chuẩn bị giám định; Thực hiện giám định;  Kết luận giám định; Trả kết luận giám định; Lập, lưu và bảo quản hồ sơ giám định.

Thời hạn giám định trong lĩnh vực tư pháp tối đa là 3 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp; có từ 2 nội dung giám định khác nhau trở lên; liên quan đến nhiều lĩnh vực quy định tại Điều 3 Thông tư này; liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 4 tháng.

Thời hạn giám định tư pháp có thể được gia hạn nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa của từng trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, do cơ quan trưng cầu quyết định bằng văn bản trên cơ sở thống nhất với cá nhân, tổ chức được trưng cầu, thực hiện giám định.

P.V