Theo số liệu vừa được Thanh tra Chính phủ công bố, năm 2023, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.689 cuộc thanh tra hành chính và 193.774 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 257.703 tỉ đồng và 616 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 188.607 tỉ đồng và 166 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 69.096 tỉ đồng và 450 ha đất; ban hành 126.158 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 6.452 tỉ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 7.524 tập thể và 7.944 cá nhân; CQĐT xem xét, xử lý 497 vụ, 490 đối tượng. 

Công tác xử lý về thanh tra, toàn ngành Thanh tra đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 8.691 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 5.442 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (chiếm 62,6% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra). Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 2.350 tỉ đồng và 32.523 ha đất; xử lý hành chính 7.972 tổ chức, 9.735 cá nhân; chuyển CQĐT 152 vụ, 201 đối tượng; khởi tố 18 vụ, 30 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 332 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra.

Trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp tổng số 396.590 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 3,7% so với năm 2022) về 300.297 vụ việc (tăng 5,4%), có 3.532 đoàn đông người (tăng 16,5%).

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một buổi tiếp công dân. (Ảnh minh hoạ)

Tiếp nhận 422.601 đơn các loại; có 345.920 đơn đủ điều kiện xử lý; trong đó có 50.563 đơn khiếu nại, 23.089 đơn tố cáo với 26.863 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước.

Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 23.735/26.863 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỉ lệ 88,4%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 59,4 tỉ đồng và 0,6 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 190,8 tỉ đồng và 9,1 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 28 tổ chức, 1.096 cá nhân; kiến nghị xử lý 497 người; chuyển CQĐT xử lý 45 vụ, 35 đối tượng.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 10.357 văn bản; huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 2.347 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành 4.258 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 566 vụ việc vi phạm, 690 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 511 tỉ đồng.

Về chuyển đổi vị trí công tác: Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 27.878 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Qua thanh tra cũng phát hiện tổng số 114 vụ việc, 176 người tham nhũng và liên quan đến tham nhũng, trong đó: Qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 22 vụ, 35 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 54 vụ, 97 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 38 vụ, 44 người liên quan đến tham nhũng.

Năm 2024, một trong những nhiệm vụ được ngành Thanh tra xác định đó là tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực; thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời, tăng cường theo dõi, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi cả nước và từng bộ, ngành, địa phương; xây dựng bộ tiêu chí theo dõi, đánh giá toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với các bộ, ngành, địa phương; mở rộng hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp, trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, rà soát và hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030.

P.V