Đây là yêu cầu của Thanh tra Chính phủ tại Thông báo Kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.

leftcenterrightdel
 Yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm về xăng dầu đối với PVN

Theo Kết luận thanh tra, xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu, là yếu tố “đầu vào” của các hoạt động sản xuất kinh doanh; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.

Hàng năm, thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 18,5 đến 20,5 triệu tấn xăng dầu (xăng sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 14,3 triệu tấn), nhu cầu tiêu thụ xăng dầu có xu hướng tăng dần. Riêng trong năm 2021 và 2022, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động lớn và thường xuyên ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước. Qua đó, một số cơ chế, chính sách liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã bộc lộ nhiều bất cập; công tác quản lý nhà nước về xăng dầu của một số bộ, ngành có một số hạn chế, tồn tại, vi phạm... dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu tại một số thời điểm, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, phát triển kinh tế...

Lý do là do cơ chế, chính sách về kinh doanh xăng dầu còn một số bất cập, thị trường xăng dầu thế giới biến động mạnh, tăng, giảm bất thường, nguồn cung không ổn định do ảnh hưởng của dịch bệnh, chiến tranh, lạm phát tăng cao...

Ngoài ra, các bộ, ngành có trách nhiệm quản lý nhà nước lĩnh vực kinh doanh xăng dầu còn chưa sâu sát, thiếu kiểm tra, giám sát trong quản lý, điều hành (giá cơ sở chưa bám sát với sự biến động của thị trường, một số chi phí chưa điều chỉnh kịp thời...); hệ thống kinh doanh xăng dầu phức tạp, nhiều bất cập, làm tăng các chi phí trung gian; một số thương nhân đầu mối vi phạm pháp luật, chưa thực hiện hết nghĩa vụ, trách nhiệm đối với nhà nước; thương nhân phân phối nhiều nhưng quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, năng lực còn thiếu. Tuy nhiên, chưa có biện pháp quản lý, xử lý hiệu quả...

Theo Kết luận thanh tra, đối với việc sản xuất, nhập khẩu xăng dầu, hiện nay, nguồn xăng dầu trong nước chủ yếu do 2 Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nghi Sơn (Thanh Hóa) cung cấp, với sản lượng năm 2021 là 14,31 triệu tấn xăng dầu, đáp ứng 63,3% thị trường tiêu thụ trong nước (năm 2021).

Nhà máy lọc dầu Dung Quất thuộc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn nhận ủy quyền từ PVN (Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn do PVN bao tiêu sản phẩm) hiện tại bán xăng dầu cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo phương thức đàm phán và phân loại khách hàng chưa theo phương thức đấu giá cạnh tranh; Hội đồng thành viên Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã phê duyệt chính sách bán sản phẩm theo hình thức đàm phán hoặc đấu giá. “Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn vẫn chưa thực hiện việc đấu giá bán sản phẩm xăng dầu. Việc mua bán xăng dầu như trên là chưa khách quan, chưa bảo đảm cạnh tranh công khai, minh bạch” - Thanh tra Chính phủ kết luận.

Vì thế, Thanh tra Chính phủ đề nghị PVN chỉ đạo Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn nhận ủy quyền từ PVN, triển khai thực hiện việc đấu giá bán sản phẩm xăng dầu, bảo đảm việc mua bán xăng dầu theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch.

Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu PVN chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm đã được nêu trong Kết luận thanh tra.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung cơ chế điều hành giá, nguyên tắc, phương pháp tính giá, bảo đảm phù hợp với quy luật thị trường, quy luật cạnh tranh, hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Thanh tra Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong Quý I năm 2024.

Lê Sử