Đây là nội dung được đề cập tại Nghị quyết 176-NQ/BCSĐ về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2022 của TAND vừa được Ban cán sự đảng TAND tối cao ban hành.

Theo TAND tối cao, năm 2022 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thành công của Đại hội XIII, thành công của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy đảng các cấp và chính quyền đã tạo sự phấn khởi, tin tưởng của cán bộ, đảng viên trong việc nỗ lực, chủ động khắc phục mọi khó khăn trong tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. 

Tuy nhiên, trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; đặc biệt, đại dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, hoạt động của tội phạm có những diễn biến mới, phức tạp, ảnh hưởng tới trật tự, kỷ cương xã hội. Trong bối cảnh nêu trên, nhiệm vụ đặt ra cho công tác của TAND rất nặng nề, cùng với thực hiện các chỉ tiêu công tác được Đảng, Nhà nước, Quốc hội giao, phải tiếp tục thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; đẩy mạnh cải cách tư pháp làm tiền đề xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. 

leftcenterrightdel
 Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên toà xét xử vụ án liên quan đến những sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ. (Ảnh minh hoạ)

Do đó, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, Nghị quyết yêu cầu, năm 2022, Toà án các cấp tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp; nhất là những văn bản chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp; tiếp tục quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện nghiêm các kết luận, kế hoạch của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Bên cạnh đó, Toà án tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử các loại vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính, lao động, gia đình và người chưa thành niên; hoàn thành các chỉ tiêu của Quốc hội, của TAND tối cao về công tác giải quyết, xét xử các loại vụ, việc. Bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Làm tốt công tác hòa giải các vụ việc dân sự, nâng cao hơn nữa tỉ lệ hòa giải thành. Cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và chỉ số giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Việt Nam. Nâng tỉ lệ đối thoại thành các khiếu kiện hành chính. 

Thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp, cơ quan tổ chức hữu quan, cơ quan bổ trợ tư pháp. Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án, bảo đảm đúng pháp luật, chặt chẽ, rõ ràng, khả thi. Thực hiện tốt các yêu cầu của phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Đưa ra xét xử kịp thời và nghiêm minh các vụ án liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới.

Mặt khác, Toà án cần chủ động, tích cực thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu thu hồi tài sản tham nhũng đối với những vụ, việc do Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26 CT/TW ngày 9/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử để kịp thời phát hiện, khắc phục, rút kinh nghiệm về những sai sót chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết, xét xử các loại vụ, việc.

P.V