Ngày 30/12, Thanh tra Chính phủ (TTCP) ban hành Thông báo kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế và một số đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Y tế. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2021.

Kiến nghị chuyển Bộ Công an 3 vụ việc

Theo kết quả thanh tra, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19, qua kiểm tra tại Bộ Y tế và một số đơn vị thuộc Bộ cơ bản thực hiện theo đúng trình tự, quy trình, thủ tục mua sắm, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện còn có nhiều thiếu sót, sai phạm trong công tác quản lý và tổ chức mua sắm, trang thiết bị, vật tư y tế.

leftcenterrightdel
 Trụ sở Bộ Y tế.
Đáng chú ý nhất, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển thông tin sang Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định 3 vụ việc, gồm:

Thứ nhất, việc thẩm định, phê duyệt giá gói thầu và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Bộ Y tế đối với một số gói thầu (Hệ thống nội soi phế quản, model CV-170 của hãng Olympus; máy X-Quang di động kỹ thuật số, model FRD Nano/DR-XD1000 của hãng Fujifim) có dấu hiệu vi phạm Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Thứ hai, việc mượn hàng hóa, mua sắm của Viện Pasteur TP.HCM trong giai đoạn 2020 - 2021 có dấu hiệu vi phạm Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; đồng thời, trong đó có một số doanh nghiệp cho Viện Pasteur TP.HCM mượn hàng hóa, nhập khẩu hàng dùng nghiên cứu khoa học (RUO), dùng trong phòng thí nghiệm (LUO).

Thứ ba, việc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc mua bán thiết bị y tế qua nhiều trung gian, làm tăng giá thiết bị y tế khi bán cho các bệnh viện, có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để nâng giá bán cao bất thường.

Hàng loạt sai sót tại Bộ Y tế

Cũng theo kết quả thanh tra, Bộ Y tế chưa thực hiện mua sắm tập trung đối với danh mục tài sản do Bộ ban hành theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP và Luật Đấu thầu; có thiếu sót khi ban hành Quyết định số 1367/QĐ-BYT, bãi bỏ danh mục tài sản mua sắm tập trung của Bộ nhưng không gửi các đơn vị trực thuộc và Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi, dẫn đến một số gói thầu bệnh viện trực tiếp mua sắm chưa được Kho bạc Nhà nước chấp nhận thanh toán, nhà thầu đề nghị tính lãi chậm trả.

Bộ Y tế ban hành một số văn bản thông báo giá sinh phẩm/trang thiết bị y tế chuẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nội dung không rõ ràng về thông tin "tham khảo," thông tin "giá công bố" tại phụ lục văn bản có thể hiểu là giá doanh nghiệp công bố hoặc giá Bộ Y tế công bố trong khi trang thiết bị y tế không phải mặt hàng do nhà nước quản lý giá. Việc công bố giá bán trang thiết bị y tế không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: Việc thẩm định, phê duyệt giá gói thầu và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Bộ Y tế đối với các gói thầu (gồm Hệ thống nội soi phế quản, model CV-170 của hãng Olympus tại Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; máy X-quang di động kỹ thuật số, model FRD Nano/DR-XD1000 của hãng Fujifilm tại Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế) có dấu hiệu vi phạm Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Bộ Y tế chưa thực hiện trực tiếp đăng tải kết quả đấu thầu theo báo cáo của các đơn vị gửi Bộ quy định tại Thông tư số 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế.

Bộ Y tế quản lý không chặt chẽ việc tiếp nhận vaccine từ Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam và việc tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) dẫn đến VNVC giữ lại 73.504 liều vắc xin để tiêm chủng (đã tổ chức tiêm 58.974 liều cho 68.099 người) không có trong kế hoạch tiêm chủng được phê duyệt của Bộ Y tế, không có sự kiểm soát của Bộ Y tế về đối tượng, quy trình theo Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 và mục đích tiêm phi thương mại theo quy định của Chính phủ.

Bộ Y tế chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có văn bản đồng ý để VNVC được giữ lại 73.504 liều vắc xin và tiếp nhận, phân bổ hơn 1 triệu liều vắc xin (hạn sử dụng ngắn đến ngày 31/12/2022) cho các tỉnh, thành phố có nhu cầu để triển khai tiêm chủng là chưa phù hợp với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 77/TB-VPCP ngày 19/3/2022.

Việc chỉ đạo, hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế có trường hợp còn chậm, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn tại các bệnh viện khi thực hiện (Bệnh viện K, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương). Việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm kéo dài, dẫn đến quá trình mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, kít xét nghiệm bị chậm, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

Bộ Y tế chưa có quy định cụ thể về phân loại các dòng máy thở, trong khi trang thiết bị mua sắm phục vụ công tác phòng, chống dịch theo Văn bản số 104/KCB-NV ngày 1/2/2020 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế có một số danh mục về máy thở (trong đó có máy thở xâm nhập và không xâm nhập, máy thở chức năng cao) dẫn đến bệnh viện xây dựng, phân định máy thở chức năng cao, máy thở xâm nhập và không xâm nhập theo tên chung, tên thương mại còn không rõ ràng, việc quyết định lựa chọn mua các dòng máy còn bất cập, thiếu tính nhất quán, ảnh hưởng đến việc xây dựng giá mua sắm.

H.Nguyên