Theo Kết luận thanh tra, tỉnh Đồng Nai có diện tích tự nhiên là 5.903,40 km2, dân số khoảng 3.320.000 người, là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, cửa ngõ phía Đông của Thành phố Hồ Chí Minh, có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Giai đoạn 2021-2023, công tác cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công của tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả như: Đã thực hiện đồng bộ, liên kết tài khoản của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và của tỉnh; tất cả các TTHC của tỉnh, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh (ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã) đều có thể khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để kiểm tra, đối chiếu thông tin công dân phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC; hoàn thành hợp nhất Cổng dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh; hoàn thành kết nối với cơ sở dữ liệu Quốc gia và các phần mềm chuyên ngành…

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên trong công tác cải cách hành chính (CCHC), giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, tỉnh Đồng Nai còn một số tồn tại, hạn chế, khuyết điểm. 

Cụ thể, việc phối hợp, thẩm định hồ sơ của các cơ quan, tổ chức và chờ lấy ý kiến của các thành viên UBND tỉnh mất nhiều thời gian và còn có biểu hiện né tránh, lòng vòng, đùn đẩy trách nhiệm, dẫn đến tình trạng hồ sơ giải quyết quá hạn hoặc không giải quyết. Kiểm tra xác suất 58 hồ sơ quá hạn, có 13 hồ sơ quá hạn vì nguyên nhân trên (có 5/13 hồ sơ quá hạn từ 2 đến 10 ngày, 8/13 hồ sơ quá hạn từ 40 ngày đến 24 tháng); có 824 hồ sơ giải quyết quá thời hạn do chưa có thông báo nghĩa vụ tài chính nhưng trên hệ thống một cửa điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường phản ánh đã hoàn thành xử lý và thống kê vào hệ thống là hồ sơ giải quyết trong thời hạn quy định.

leftcenterrightdel
 Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai (Ảnh minh hoạ: VTV).

UBND tỉnh đã tiến hành 50 cuộc kiểm tra và các cơ quan, tổ chức tiến hành 24 cuộc kiểm tra tại 116 đơn vị, trong đó, kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính và CCHC tại 85 UBND cấp xã và 7 Bộ phận Một cửa thuộc UBND cấp huyện; kiểm tra công tác cải cách hành chính tại 15 sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ công vụ tại 9 đơn vị, địa phương, tuy nhiên, lãnh dạo UBND tỉnh và lãnh đạo các cơ quan, tổ chức chỉ đạo thiếu quyết liệt đối với công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, nhất là việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, dẫn đến công tác kiểm tra còn nhiều tồn tại.

Cụ thể như: Các cuộc kiểm tra công vụ của tỉnh do Giám đốc Sở Nội vụ ban hành quyết định là không đúng thẩm quyền theo Kế hoạch kiểm tra CCHC hằng năm của UBND tỉnh; có cơ quan, tổ chức tiến hành kiểm tra nhưng không ban hành quyết định kiểm tra (Sở Kế hoạch và Đầu tư); kết thúc kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra không có báo cáo về kết quả kiểm tra gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức nên không có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị về những thiếu sót, tồn tại được Đoàn kiểm tra chỉ ra (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND huyện Nhơn Trạch). Vì vậy, một số thiếu sót, tồn tại trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC; việc chậm, quá hạn trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp,... đã được các cuộc kiểm tra chỉ ra nhưng không được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời...

Từ những vấn đề nêu trên, dẫn đến công tác CCHC, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp của tỉnh Đồng Nai chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, cụ thể như: Tỉ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến chỉ đạt 15% và tiếp nhận trực tuyến toàn trình là 8%; tỉ lệ giải quyết hồ sơ TTHC quá hạn cao, chiếm 15,5% (85.270 hồ sơ); việc số hóa hồ sơ giải quyết, đạt tỉ lệ 14,61%; các TTHC thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội đang thực hiện tại phòng chuyên môn của huyện (huyện Nhơn Trạch) chưa thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa như báo cáo của UBND tỉnh.

Hồ sơ giải quyết quá hạn của các phòng, ban chuyên môn thuộc 4 cơ quan, tổ chức được kiểm tra cao, một số đơn vị chiếm tỉ lệ trên 50% (Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư); tỉ lệ hồ sơ phát sinh giao dịch trực tuyến của tỉnh trong thời kỳ thanh tra mới đạt 47,57% chưa đạt mục tiêu đề ra là phải đạt tỉ lệ 50% trở lên. Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh, các cơ quan của tỉnh có liên quan, Trưởng các đoàn kiểm tra.

Về kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, Kết luận nêu rõ: Căn cứ Kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm nêu tại phần kết quả và Kết luận thanh tra. Trong đó, cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; chậm thực hiện số hóa, giải quyết hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử; chậm giải quyết TTHC nhất là có biểu hiện né tránh, lòng vòng, đùn đẩy trách nhiệm...

P.V