Đây là nội dung được Thanh tra Chính phủ nêu lên tại báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, cử tri phản ánh hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế, tài chính, chứng khoán, bất động sản, ... đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tránh để tình trạng vi phạm pháp luật như trong thời gian vừa qua.

Về nội dung này, theo Thanh tra Chính phủ cho biết, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, địa phương bám sát Định hướng chương trình thanh tra hằng năm và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xây dựng và triển khai thanh tra theo kế hoạch và đột xuất; tập trung thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các ngành, lĩnh vực quan trọng, dư luận xã hội quan tâm.

Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ các cuộc thanh tra, nhất là các cuộc thanh tra đột xuất. Qua thanh tra đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật; phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh xét xử một vụ án hình sự. (Ảnh minh hoạ)

Việc chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang CQĐT có nhiều tiến bộ; công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tiếp tục có chuyển biến tích cực, đồng thời tham mưu, trình cấp có thẩm quyền cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án. Kết quả công tác thanh tra tiếp tục đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và góp phần tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Về một số kết quả thanh tra 9 tháng đầu năm 2023, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.169 cuộc thanh tra hành chính và 146.890 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 198.665 tỉ đồng, 495 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 155.548 tỉ đồng và 56 ha đất; ban hành 94.717 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.460 tỉ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.293 tập thể và 4.732 cá nhân; chuyển CQĐT tiếp tục xem xét, xử lý 279 vụ, 363 đối tượng…

Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ với chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục tham mưu với Đảng và Nhà nước các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong đó có việc tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra giải quyết các vụ án lớn, các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Cụ thể, trước hết là thực hiện nghiêm Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Tăng cường công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo, phản ánh về tham nhũng; bảo vệ người tố cáo theo Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/1/2019 của Bộ Chính trị; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị; quy định về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; cơ chế bảo vệ người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; cơ chế kiểm soát quyền lực trong PCTN...

Hai là, rà soát, xác định rõ những cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng; những khâu, những lĩnh vực quản lý còn bị buông lỏng, dễ lợi dụng để tham nhũng; đặc biệt là cơ chế, chính sách và công tác quản lý trên những lĩnh vực mà thực tế thời gian qua xảy ra nhiều sai phạm, tham nhũng lớn như đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý vốn và tài sản nhà nước trong doanh nghiệp... để từ đó khẩn trương có giải pháp khắc phục bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác PCTN ở địa phương, cơ sở; tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan chống tham nhũng.

Bốn là, tập trung khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ. Thực hiện nghiêm và có hiệu quả Quy định số 179-QĐ/TW ngày 25/2/2019 của Bộ Chính trị về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, Quy định số 205- QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ; tăng cường kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm.

Năm là, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; quản lý sử dụng đất đai; đầu tư theo hình thức BT, BOT; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; các dự án mua sắm lớn từ ngân sách nhà nước... Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là những kiến nghị về hoàn thiện cơ chế chính sách, thu hồi đất đai, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Sáu là, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện. Tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC.

P.V