Các quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo niềm tin và đảm bảo để người tố cáo thực hiện quyền tố cáo của mình trong đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật cũng như trong công tác phòng, chống tham nhũng, về bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo. Tuy nhiên, do mô hình cơ quan tổ chức tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết tố cáo thường là những tập thể với nhiều bộ phận khác nhau nên nếu không quy định cụ thể trách nhiệm của cá nhân, của những người có liên quan thì việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo theo quy định này khó được đảm bảo.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng: “Chế định này chưa đầy đủ và còn rất nhiều khiếm khuyết. Ví dụ, nội dung bảo vệ họ là những gì, phạm vi bảo vệ họ đến đâu, ai là người quyết định bảo vệ, lực lượng nào làm nhiệm vụ bảo vệ, biện pháp bảo vệ họ là gì? Tất cả những vấn đề này đều phải được làm rõ, nếu không trong thực tiễn không thể làm được.
Ví dụ, trong dự thảo Luật nêu lên 4 nội dung cần được bảo vệ: Một là bảo vệ danh tính người tố cáo do thủ trưởng cơ quan đó thực hiện. Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản thì do công an thực hiện. Bảo vệ vị trí việc làm do thủ trưởng nơi giải quyết tố cáo bảo vệ và bảo vệ tại nơi cư trú do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện. Vậy đặt câu hỏi thế thì bảo vệ tính mạng, sức khỏe, uy tín của người tố cáo tại nơi cư trú có xảy ra việc này không, đương nhiên là có. Bởi khi người bị tố cáo họ đến nhà người tố cáo dọa, o ép, thậm chí họ đến đánh. Vậy bảo vệ tại nơi cư trú có nằm chung trong bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người tố cáo hay không?
Vấn đề tiếp theo, ai ra quyết định bảo vệ, trong Luật Tố tụng hình sự quy định rất rõ: chỉ có hai cơ quan, cơ quan điều tra của Công an nhân dân và cơ quan điều tra trong Quân đội ra quyết định và trực tiếp bảo vệ. Còn Viện kiểm sát, Tòa án muốn bảo vệ ai thì kiến nghị hai cơ quan này họ tiến hành luôn. Trong lúc đó, luật chúng ta ai ra quyết định cho, không lẽ một cơ quan đứng ra trực tiếp bảo vệ lại ra quyết định yêu cầu lực lượng công an phải bảo vệ, nếu chúng ta không quy định rõ ràng sẽ rất khó thực hiện.
Về biện pháp bảo vệ, chúng ta đưa rải rác bắt đầu từ bảo vệ việc làm, cho đến bảo vệ tại nơi cư trú mà không tập trung toàn bộ biện pháp bảo vệ này về một chỗ, cho nên tôi thấy rất khó khăn”. Chính vì vậy, ông Cầu đề nghị Ban soạn thảo cần phải tiếp thu và chỉnh sửa lại chế định bảo vệ người tố cáo một cách đầy đủ, chặt chẽ.
Việc tố cáo nặc danh, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có quy định cơ chế đặc thù đối với trường hợp tiếp nhận đơn tố cáo nặc danh, nhưng nội dung tố cáo đã cung cấp tài liệu, chứng cứ một cách rõ ràng và có căn cứ.
Về nghĩa vụ của người tố cáo được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 là người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình và khi người tố cáo thực hiện việc tố cáo thì phải tuân thủ đúng theo hình thức tố cáo được quy định tại Điều 20 là thực hiện bằng đơn hoặc tố cáo trực tiếp. Trong cả 2 hình thức này, người tố cáo đều phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ thì mới đủ điều kiện về mặt hình thức để người có thẩm quyền giải quyết tố cáo hoặc bộ phận tiếp nhận xử lý ban đầu thông tin tố cáo. Như vậy, nếu đơn tố cáo có đủ họ, tên, địa chỉ của người tố cáo mà đã được gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì áp dụng Điều 44 về bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo trong quá trình tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố cáo.
Tuy nhiên, trong thực tế rất nhiều trường hợp đơn không được gửi đúng người có thẩm quyền giải quyết hay cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì người tiếp nhận, cơ quan tiếp nhận phải xử lý chuyển đơn và toàn bộ hồ sơ gửi kèm (nếu có) đến người có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trên thực tế, thông tin cá nhân của người tố cáo rất khó giữ bí mật. Vì vậy, có nhiều ý kiến đề nghị phải quy định những biện pháp cụ thể hơn để đảm bảo được việc giữ bí mật thông tin cho người tố cáo, nhất là khi người tố cáo gửi đến cơ quan không có thẩm quyền giải quyết.
Tại điểm b khoản 2 Điều 11 quy định người giải quyết tố cáo có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp để giữ bí mật, bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo, người cung cấp thông tin có liên quan đến việc tố cáo. Trong thực tế, nhiều trường hợp người cung cấp thông tin có liên quan đến việc tố cáo không phải là người thân thích của người tố cáo mà chỉ là bạn bè, đồng nghiệp hoặc hàng xóm. Như vậy, những người này theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 được áp dụng những biện pháp để bảo vệ, bà Nguyễn Thị Hồng Hà – Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Ninh Thuận đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu và quy định rõ vấn đề này.
Bên cạnh đó cũng có ý kiến nhấn mạnh: Luật Tố cáo vừa là luật nội dung vừa là luật hình thức nên cần thiết phải quy định thật rõ ràng thì mới áp dụng được. Cụ thể như các Điều 45, 46, 47 của Dự thảo luật quy định, khi nhờ tố cáo hoặc người thân thích của người tố cáo yêu cầu thì người giải quyết phải áp dụng các biện pháp bảo vệ khi có căn cứ cho rằng nguy cơ bị xâm hại tài sản, tính mạng, sức khỏe, uy tín, danh dự, nhân phẩm và các quyền nhân thân khác.
Theo quy định của dự thảo luật, họ sẽ được quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan công an nơi họ cư trú, làm việc, học tập phải áp dụng các biện pháp bảo vệ họ nhưng trong thực tế thì rất khó thực hiện bởi vì trường hợp này, người giải quyết tố cáo hay cơ quan công an nơi họ gửi yêu cầu phải có trách nhiệm xác minh lại yêu cầu của họ có căn cứ hay không và ai sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ và trong trường hợp giữa cơ quan công an và người có thẩm quyền giải quyết tố cáo không thống nhất trong việc kết luận yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo là có căn cứ hay không có căn cứ thì giải quyết như thế nào.
Xuân Hưng