Sáng 6/3, trả lời phóng viên Bảo vệ pháp luật, lãnh đạo UBND huyện Thanh Hà cho biết: Liên quan đến sai phạm trong công tác tiêu huỷ lợn dịch tả châu Phi và công tác phòng chống dịch COVID-19, Thanh tra tỉnh Hải Dương đã vào cuộc thanh tra, kiểm tra và có kiến nghị UBND tỉnh để xử lý vụ việc.
Theo thông tin ban đầu, ông Nguyễn Danh Tư (SN 1963, ở xã Thanh Thuỷ, huyện Thanh Hà) đã gửi đơn tới các cơ quan chức năng tố cáo ông Ngô Xuân Khải (nguyên là Chủ tịch UBND xã) và ông Nguyễn Văn Lan (nguyên là công chức Văn phòng - Thống kê kiêm Thủ quỹ, nay là Chủ tịch UBND xã Thanh Thuỷ). Nội dung tố cáo liên quan đến sai phạm trong công tác tiêu huỷ lợn dịch tả Châu Phi và sai phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 (đợt 1).
|
|
Ông Nguyễn Danh Tư, người làm đơn tố cáo các sai phạm tại xã Thanh Thuỷ (huyện Thanh Hà). |
Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo, Thanh tra tỉnh Hải Dương đã vào cuộc xác minh sự việc và phát hiện có dấu hiệu khai khống để trục lợi trong công tác tiêu huỷ lợn dịch tả châu Phi tại xã Thanh Thuỷ. Trong việc kê khai thực tế người dân nhận có 17 triệu đồng, nhưng trên danh sách đã nâng khống thành 230 triệu đồng.
Cụ thể, hộ ông C. trú thôn Lại Xá 1 có tên trong danh sách những hộ có lợn bị dịch tả châu Phi phải tiêu huỷ 47 con lợn, trọng lượng hơn 5,5 tấn. Ông C. được hỗ trợ 2 đợt với tổng số tiền hơn 230 triệu đồng. Tuy nhiên, khi Thanh tra tỉnh Hải Dương làm việc trực tiếp với gia đình, thì ông C. khẳng định, năm 2019 gia đình ông chỉ thực sự tiêu huỷ 2 con lợn nái với tổng trọng lượng khoảng 200kg và 5 con lợn thịt với trọng lượng khoảng 300kg. Thực tế, gia đình ông C. chỉ có khoảng 500kg lợn bị bệnh dịch tả châu Phi phải tiêu huỷ, tương ứng với số tiền nhận hỗ trợ hơn 17 triệu đồng. Thanh tra tỉnh Hải Dương nhận thấy, có dấu hiệu kê khai khống khoảng 40 con lợn, tương đương hơn 5 tấn thịt để trục lợi bất chính với số tiền hơn 215 triệu đồng.
Trong danh sách kê khai các hộ nhận tiền hỗ trợ tiêu huỷ lợn năm 2019, có gia đình bà G., tiêu huỷ 8.394 kg lợn, số tiền hỗ trợ là hơn 304 triệu đồng. Trong đó, bà G. đứng tên tiêu huỷ 4.848 kg, số tiền hỗ trợ hơn 195 triệu đồng. Ông Trần Văn T. (chồng bà G) đứng tên tiêu huỷ 1.364 kg, số tiền hỗ trợ hơn 48 triệu đồng. Bà D.T.N (mẹ bà G.) đứng tên tiêu huỷ 2.182 kg lợn, số tiền hỗ trợ là hơn 60 triệu đồng. Sau đó, Bà G. đã trực tiếp nhận tiền hỗ trợ là 280,6 triệu đồng, ông T. nhận 24,3 triệu đồng.
Tuy nhiên, tại cuộc làm việc với Đoàn Thanh tra tỉnh Hải Dương, bà G. khẳng định, không đứng tên kê khai tiêu huỷ lợn dịch tả châu Phi. Thời gian đó, bà có nhờ mẹ đẻ là bà D. T.N kê khai tiêu huỷ hộ 3 lần và chồng kê khai tiêu huỷ 1 lần. Từ việc xác minh trực tiếp tại gia đình bà G., Thanh tra tỉnh thấy có dấu hiệu kê khai khống 4.848 kg để trục lợi, gây thất thoát ngân sách hơn 195 triệu đồng.
|
|
Trụ sở UBND xã Thanh Thuỷ (huyện Thanh Hà). |
Điều đáng nói, có những trường hợp nhận tiền hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi của nhà nước, nhưng tên trên danh sách nhận hỗ trợ lại là tên của gia đình khác. Đó là bà P.T.G đã ký nhận tiền hỗ trợ cho nhiều gia đình với tổng số tiền hơn 774 triệu đồng.
Liên quan đến nội dung sai phạm trong công tác tiêu hủy lợn bị dịch tả châu Phi, Thanh tra tỉnh Hải Dương đã làm việc với một số hộ dân có liên quan đến hồ sơ, chứng từ và nhận thấy, bà Phan Tâm Anh (nguyên kế toán UBND xã Thanh Thủy, nay là viên chức thuộc Sở Tài chính tỉnh Hải Dương) đã lập hồ sơ khống. Còn ông Ngô Xuân Khải (khi đó làm Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy) đã ký duyệt để rút ngân sách hơn 53 triệu đồng.
Sau khi Thanh tra tỉnh Hải Dương vào cuộc xác minh, nhận thấy tại xã Thanh Thuỷ có dấu hiệu kê khai khống để trục lợi là gần 1 tỉ đồng. Do vậy, Thanh tra tỉnh đã báo cáo và khiến nghị UBND tỉnh về vụ việc. Sau khi xem xét, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đồng ý với kiến nghị của Thanh tra và giao Văn phòng UBND tỉnh ký văn bản chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra để làm rõ theo quy định của pháp luật.