Quy định này áp dụng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Các nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Theo Quy định, các nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật đó là: Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
Kết hợp đồng bộ, chặt chẽ các cơ chế, biện pháp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; chủ động phòng ngừa là chính; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; bảo vệ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
Bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật; không làm cản trở sự chủ động, sáng tạo, công khai, minh bạch, dân chủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi trong công tác xây dựng pháp luật.
Bảo đảm sự giám sát, phản biện, tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí, tổ chức xã hội khác và Nhân dân theo quy định.
Quy định cụ thể các hành vi tham nhũng, tiêu cực
Theo Quy định, các hành vi tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật gồm: Cố ý chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ; cố ý trì hoãn việc đình chỉ, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật vì mục đích lợi ích nhóm, cục bộ.
|
|
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII. (Ảnh minh hoạ) |
Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc các lợi ích khác dưới mọi hình thức để ban hành hoặc tác động đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ.
Đưa hối lộ, môi giới hối lộ cho người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong công tác xây dựng pháp luật để định hướng truyền thông không bảo đảm khách quan và không đúng sự thật về nội dung chính sách trong công tác xây dựng pháp luật vì vụ lợi.
Lạm quyền, câu kết với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác để trục lợi trong công tác xây dựng pháp luật.
Các hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm, cục bộ khác trong công tác xây dựng pháp luật theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Các hành vi tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật gồm: Cố ý không chấp hành nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong công tác xây dựng pháp luật hoặc cố ý che giấu, báo cáo không trung thực với cơ quan có thẩm quyền về tình hình thực tiễn, về nội dung ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc cố ý đưa những nội dung mới vào dự thảo văn bản khác với những chính sách hoặc nội dung đã được cấp có thẩm quyền thông qua mà không báo cáo cấp lãnh đạo có thẩm quyền dẫn đến văn bản quy phạm pháp luật không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp hoặc tính thống nhất với hệ thống pháp luật hoặc có nhiều sơ hở và bị lợi dụng gây ra thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý trong công tác xây dựng pháp luật; bao che, cố ý không báo cáo, không xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong cơ quan, tổ chức, địa phương do mình trực tiếp quản lý trong công tác xây dựng pháp luật.
Sử dụng trái quy định tài chính, tài sản công, tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, tài trợ, viện trợ trong công tác xây dựng pháp luật.
Móc nối, câu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị nhằm tuyên truyền tư tưởng, quan điểm trái với chủ trương, quy định của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; thu thập, chuyển giao cho nước ngoài hoặc tổ chức, cá nhân khác trái quy định của pháp luật các thông tin, tài liệu liên quan đến công tác xây dựng pháp luật; lợi dụng việc phản ánh, góp ý kiến, phản biện xã hội trong công tác xây dựng pháp luật để chống phá Đảng và Nhà nước.
Các hành vi tiêu cực khác trong công tác xây dựng pháp luật theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Quy định gồm 18 Điều, có hiệu lực kể từ ngày ký. Đối với các hành vi vi phạm xảy ra trước ngày Quy định này có hiệu lực thì xem xét xử lý theo Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 6/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm và các văn bản khác có liên quan.
Về tổ chức thực hiện, Quy định nêu rõ: Đảng đoàn Quốc hội, các Ban cán sự đảng: Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình chỉ đạo rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Quy định này; thường xuyên chỉ đạo rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra công tác xây dựng pháp luật nhằm phát hiện sơ hở, bất cập có nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. |