Mới đây, Viện trưởng VKSND tối cao đã có Quyết định số 435/QĐ-VKSTC về việc ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng thi tuyển Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp ở VKSND tối cao và Quyết định số 436/QĐ-VKSTC về việc ban hành Quy chế thi tuyển Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp ở VKSND tối cao. 

Phó Viện trưởng VKSND tối cao là Chủ tịch Hội đồng thi tuyển

Theo Quy chế làm việc, Hội đồng thi tuyển làm việc theo chế độ tập thể. Mọi quyết định của Hội đồng thi tuyển phải được thông qua tại phiên họp của Hội đồng thi tuyển và phải được quá nửa tổng số thành viên tán thành; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng thi tuyển. Các ý kiến không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên thì được quyền bảo lưu và báo cáo lên Viện trưởng VKSND tối cao.

Hội đồng thi tuyển có các ban giúp việc, gồm: Ban Thư ký, Ban Đề thi, Ban Coi thi, Ban phách, Ban Chấm thi, Ban Phúc khảo (nếu có). Nhiệm vụ, quyền hạn của các ban giúp việc được thực hiện theo các Điều 8, 9, 10, 11, 12 của Quy chế thi tuyển Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp ở VKSND tối cao.

Về thành phần Hội đồng thi tuyển, tại Điều 6 Quy chế làm việc quy định: Chủ tịch Hội đồng thi tuyển là Phó Viện trưởng VKSND tối cao do Viện trưởng VKSND tối cao chỉ định. Các ủy viên Hội đồng thi tuyển gồm: Đại diện Ủy ban kiểm sát VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát quân sự Trung ương; đại diện lãnh đạo Cơ quan điều tra VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao là Ủy viên thường trực Hội đồng thi tuyển.

Cũng theo Quy chế làm việc, Hội đồng thi tuyển có nhiệm vụ tổ chức thi tuyển Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp; công bố danh sách những người trúng tuyển; đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao bổ nhiệm người đã trúng tuyển làm Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp. Chủ tịch Hội đồng thi tuyển có nhiệm vụ, quyền hạn: Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng thi tuyển theo quy định; chỉ đạo việc tổ chức thi tuyển theo đúng Quy chế thi tuyển; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên của Hội đồng thi tuyển; quyết định thành lập các Ban giúp việc: Ban Thư ký, Ban Đề thi, Ban Coi thi, Ban phách, Ban Chấm thi, Ban Phúc khảo (nếu có); tổ chức, chỉ đạo việc xây dựng đề thi và đáp án, lựa chọn đề thi theo đúng quy định; bảo quản, lưu giữ các đề thi và đáp án bảo đảm bí mật theo chế độ tài liệu tuyệt mật; tổ chức, chỉ đạo việc coi thi, quản lý bài thi, đánh số phách, rọc phách, quản lý phách, chấm thi, chấm phúc khảo theo quy định; thông báo, quyết định công nhận kết quả thi, kết quả trúng tuyển, đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao bổ nhiệm Điều tra viên các ngạch theo quy định; đồng thời, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức thi.  

Tập trung, công khai, minh bạch, khách quan, cạnh tranh

Quy chế thi tuyển Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp ở VKSND tối cao gồm 35 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; nhu cầu và kế hoạch thi tuyển; đối tượng đăng ký; xét dự thi tuyển; nhiệm vụ, quyền hạn của các ban giúp việc (Ban thư ký, Ban đề thi, Ban coi thi, Ban phách, Ban chấm thi) và Ban giám sát Hội đồng thi tuyển; mối quan hệ giữa các Ban; đề thi; nội quy thi; cách bố trí, sắp xếp trong phòng thi; xác nhận tình trạng đề thi và mở đề thi; cách tính thời gian làm bài thi; thu bài thi và bàn giao bài thi; chấm thi; ghép phách và tổng hợp kết quả, thông báo điểm thi; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phúc khảo; công nhận kết quả thi và đề nghị bổ nhiệm; lưu trữ tài liệu…

Theo Quy chế thi tuyển, việc tổ chức xét người có đủ điều kiện dự thi, thi tuyển Điều tra viên được thực hiện theo nguyên tắc tập trung, công khai, minh bạch, khách quan, cạnh tranh và đúng quy định của pháp luật. Đối tượng đăng ký là công chức hiện đang công tác tại VKSND các cấp, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đang công tác tại Viện kiểm sát quân sự các cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 46 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự thì có quyền được đăng ký.

Về hồ sơ đăng ký thi, Quy chế thi tuyển quy định: Hồ sơ đăng ký thi gồm có: Văn bản đề nghị của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Viện kiểm sát quân sự Trung ương; sơ yếu lý lịch theo mẫu quản lý cán bộ, công chức của Bộ Nội vụ (không quá 6 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ) có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền; bản sao Quyết định bổ nhiệm ngạch công chức đang giữ và văn bằng chứng chỉ có liên quan; bản kiểm điểm 3 năm công tác gần nhất của người dự thi; văn bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu cơ quan, đơn vị của người dự thi đang công tác; nhận xét, đánh giá của cấp ủy hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú, cấp ủy hoặc Chỉ huy đơn vị Quân đội quản lý về hành chính quân sự (trường hợp người dự thi đang công tác ở Viện kiểm sát quân sự); giấy khám sức khỏe (có giá trị trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe) của công chức do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp. Hồ sơ dự thi được gửi về VKSND tối cao (qua Vụ Tổ chức cán bộ).

Về hình thức, thời gian và nội dung thi, Điều 16 Quy chế thi tuyển nêu rõ: Thi viết, thời gian 180 phút; Thi trắc nghiệm, thời gian 60 phút (Riêng đối với thi Điều tra viên cao cấp có thể thay thế bằng hình thức vấn đáp hoặc viết và bảo vệ đề án do Viện trưởng VKSND tối cao quyết định); Nội dung thi: Kiến thức pháp luật về nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, nghiệp vụ điều tra hình sự. Về cách tính điểm, bài thi được chấm theo thang điểm 100 đối với mỗi hình thức thi. Bài thi viết tính hệ số 2, bài thi trắc nghiệm (hoặc bài thi hình thức khác) tính hệ số 1.

Ngoài ra, tại Điều 20 Quy chế thi tuyển cũng quy định cụ thể về Người trúng tuyển. Theo đó, thứ nhất: Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển phải có đủ các điều kiện sau: Có đủ các bài thi theo quy định tại Điều 16 Quy chế này; có số điểm của mỗi bài thi đạt từ 50 điểm trở lên; có kết quả thi tuyển cao hơn (lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp) trong phạm vi chỉ tiêu Điều tra viên cần bổ sung của đơn vị đăng ký dự thi. Thứ hai, trường hợp có 02 người trở lên có tổng điểm thi tuyển bằng nhau thì người có điểm bài thi viết cao hơn là người trúng tuyển. Trường hợp điểm bài thi viết bằng nhau thì người có thời gian công tác trong ngành KSND dài hơn là người trúng tuyển. Nếu có thời gian công tác bằng nhau thì Chủ tịch Hội đồng thi tuyển quyết định. Thứ ba, không bảo lưu kết quả thi.

P.V