Ngày 3/3/2021, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, quyết định hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 857/2019/HSPT ngày 31/12/2019 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh về phần quyết định hình phạt đối với Ngô Thanh Phú, giữ nguyên quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số 54/2019/HSST ngày 3/9/2019 của TAND tỉnh Đồng Nai về phần hình phạt đối với Ngô Thanh Phú.
Thông qua vụ án này, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7), VKSND tối cao thông báo rút kinh nghiệm trong việc áp dụng pháp luật đối với bị cáo, nhằm đảm bảo cho việc xét xử đúng quy định của pháp luật.
Nội dung vụ án thể hiện, ngày 1/10/2018, Ngô Thanh Phú không có giấy phép khai thác cát nhưng vẫn thỏa thuận với Nguyễn Xuân Tiến về việc Phú sẽ bơm hút cát trên sông Đồng Nai để bán cho Tiến với giá 100.000 đồng/m3. Tiến đưa cho Phú số điện thoại của Hứa Thanh Phương là thuyền trưởng sà lan SG 7105 do Tiến thuê để liên hệ địa điểm giao nhận cát.
Khoảng 1 giờ ngày 2/10/2018, Phú gọi điện thoại cho Phương hướng dẫn điều khiển sà lan trên đến km 43 sông Đồng Nai thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa để bơm, hút cát, trên sà lan có Nguyễn Văn Chính là người giúp việc.
Ngô Thanh Phú điều khiển ghe tải số đăng ký LA-07199 có trang bị hệ thống bơm hút cát (tự chế), trên ghe có Võ Hoàng Phúc, Võ Văn Bình, Phan Quốc Thái và Nguyễn Văn Quý (chưa rõ địa chỉ), cùng nhau thực hiện hành vi bơm hút cát trên sông.
Theo sự phân công của Phú, Võ Hoàng Phúc, Phan Quốc Thái, Nguyễn Văn Quý và Võ Văn Bình vận hành hệ thống bơm, hút cát gồm: 1 động cơ được đấu nối với 3 đầu bơm cùng ống bơm, đường kính ống 25cm; trong đó, 1 đầu bơm dùng để hút nước, rồi đẩy xuống đáy sông làm tơi cát, 1 đầu bơm dùng để hút cát được gắn với 1 thanh kim loại dài khoảng 20m, nhằm đưa đầu ống xuống đáy sông, 1 đầu bơm dùng để hút cát từ khoang chứa của ghe tải lên sà lan SG-7105.
|
|
Cơ quan Công an bắt quả tang hành vi hút cát trái phép. (Ảnh minh hoạ) |
Đến khoảng 3 giờ 30 phút ngày 2/10/2018, trong lúc Phú đang thực hiện hành vi bơm, hút cát trái phép nêu trên thì bị Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra, lập biên bản và tạm giữ tang vật gồm: 1 ghe tải gỗ số đăng ký LA-07199 có gắn hệ thống bơm hút cát (tự chế) do Ngô Thanh Phú điều khiển, 1 sà lan thép số đăng ký SG-7105 do Hứa Thanh Phương điều khiển và 172,971 m3 cát khai thác trái phép chứa trên 2 phương tiện nêu trên.
Kết luận định giá tài sản số 52 ngày 2/3/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thành phố Biên Hòa xác định, tại thời điểm tháng 10/2018, 172,971 m3 cát, loại cát tạp chất, trị giá 23.351.000 đồng.
Quá trình giải quyết vụ án cho thấy, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 54/2019/HSST ngày 3/9/2019, TAND tỉnh Đồng Nai áp dụng điểm đ, khoản 1, Điều 227; điểm i, s, khoản 1, khoản 2, Điều 51 Bộ luật hình sự, xử phạt Ngô Thanh Phú 1 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.
Ngày 6/9/2019, Ngô Thanh Phú kháng cáo xin được hưởng án treo.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 857/2019/HSPT ngày 31/12/2019, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm, áp dụng thêm Điều 65 Bộ luật hình sự, xử phạt Ngô Thanh Phú 1 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Tuy nhiên sau đó, Chánh án TAND tối cao có Quyết định kháng nghị số 17/2020/KN-HS ngày 3/8/2020 đối với Bản án hình sự phúc thẩm số 857/2019/HSPT ngày 31/12/2019 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh về phần quyết định hình phạt đối với Ngô Thanh Phú.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện VKSND tối cao nhất trí đối với quyết định kháng nghị của Chánh án TAND tối cao.
Theo VKSND tối cao, trong vụ án trên, vấn đề cần rút kinh nghiệm đó là, từ tháng 2/2018 đến tháng 4/2018, Ngô Thanh Phú đã 2 lần bị xử phạt hành chính về hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Ngày 2/10/2018, Ngô Thanh Phú tiếp tục có hành vi khai thác cát trái phép với khối lượng 172,971 m3 cát, loại cát tạp chất, trị giá 23.351.000 đồng. Hành vi phạm tội của Ngô Thanh Phú xâm phạm đến chế độ quản lý Nhà nước về khai thác tài nguyên, bị cáo đã bị xử phạt hành chính nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục vi phạm thể hiện sự coi thường, bất chấp pháp luật.
Cùng với đó, Chính Phủ đã có Chỉ thị và nhiều thông báo về việc tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, về tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát tại các địa phương, nên cần phải xử lý nghiêm minh.
Cũng theo VKSND tối cao, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” quy định tại điểm i, s, khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự, xử phạt Ngô Thanh Phú 1 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” là phù hợp, tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo và đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm xử phạt bị cáo Ngô Thanh Phú 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo là sai lầm nghiêm trọng, không đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.