Công văn nêu rõ, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, bản Cáo trạng là văn bản pháp lý do Viện kiểm sát lập ra, thể hiện thẩm quyền truy tố bị can của Viện kiểm sát trước Tòa án. Sau khi ban hành, bản Cáo trạng được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can, người bào chữa, CQĐT; thông báo cho bị hại, đương sự, người bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của họ và công bố công khai tại phiên tòa.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên toà xét xử trực tuyến một vụ án hình sự. (Ảnh minh hoạ)

Cũng theo VKSND tối cao, qua theo dõi công tác ban hành Cáo trạng của các Viện kiểm sát cấp dưới đối với các vụ án “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, VKSND tối cao (Vụ 1) thấy, các VKSND tỉnh, thành phố đã thực hiện đúng quy định của Ngành về hình thức, nội dung bản Cáo trạng, như: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Giang, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Tiền Giang... 

Bên cạnh đó, vẫn còn một số bản Cáo trạng đã trích nguyên văn thông tin, tài liệu có nội dung kích động, nói xấu Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN; xúc phạm lãnh tụ; chửi bới, lăng mạ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, gây phản cảm cho người đọc, người nghe, đặc biệt khi công bố bản Cáo trạng tại phiên tòa... 

VKSND tối cao cho rằng, do là văn bản pháp lý quan trọng của Viện kiểm sát nên về hình thức, nội dung bản Cáo trạng, các Viện kiểm sát cấp dưới cần chú trọng bảo đảm đúng quy định pháp luật và quy chế của Ngành. 

Ngoài ra, đối với bản Cáo trạng các vụ án “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, cần lưu ý: Phần diễn biến hành vi phạm tội, không nên trích những câu, chữ, đoạn văn có nội dung tuyên truyền, kích động chống chính quyền; phi báng Đảng, Nhà nước; bôi nhọ, nói xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm lãnh tụ; chửi bới, lăng mạ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước... mà chỉ trích nêu ý kiến kết luận của Giám định viên, cơ quan giám định về nội dung tài liệu, vật phẩm mà đối tượng làm ra, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền.

P.V