Giải quyết tài sản của bên thứ ba đang thế chấp tại Ngân hàng khi làm thủ tục phá sản

Thông báo số 107/TB-VKSTC nêu: Vừa qua, VKSND tối cao tối cao nhận được văn bản của Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) về việc phối hợp trong công tác THADS và họp liên Ngành với Tổng cục THADS để trao đổi, thống nhất quan điểm giải quyết một số vụ việc có khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tạm đình chỉ và đình chỉ thi hành án (THA) trong trường hợp doanh nghiệp là người phải THA đang làm thủ tục phá sản tài sản bảo đảm của bên thứ ba.

Sau khi họp Vụ và họp liên Ngành đã thống nhất quan điểm, Vụ kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11), VKSND tối cao quyết định ban hành thông báo rút kinh nghiệm.

Về nội dung vụ việc: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự số 12/2013/QĐST-KDTM ngày 6/12/2013 của TAND thành phố HD, tỉnh HD có nội dung: Công ty TNHH TT phải trả cho Ngân hàng TMCP kỹ thương Việt Nam số tiền 5 tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ của Công ty TNHH TT được bảo đảm bằng các tài sản thế chấp sau: Quyền sử dụng đất và các tài sản trên đất cùng quyền và lợi ích phát sinh từ quyền sử dụng đất tại số 459, Điện Biên Phủ, phường BH, thành phố HD, tỉnh HD, diện tích 100m2, vào sổ cấp Giấy CNQSD số H00254 do UBND thành phố HD, tỉnh HD cấp ngày 18/5/2017 mang tên ông QC và bà NT; Quyền sử dụng đất và các tài sản trên đất cùng quyền và lợi ích phát sinh từ quyền sử dụng đất tại số 7922, khu đô thị phía Tây, phường TB, thành phố HD, tỉnh HD, diện tích 77m2, vào sổ cấp Giấy CNQSD số CH000177 do UBND thành phố HD, tỉnh HD cấp ngày 22/4/2011 mang tên ông NVT và bà LTY; Quyền sử dụng đất và các tài sản trên đất cùng quyền và lợi ích phát sinh từ quyền sử dụng đất tại số 63, đường Ngô Quyền, phường TB, thành phố HD, tỉnh HD, diện tích 95m2, vào sổ cấp Giấy CNQSD số CH000288 do UBND thành phố HD, tỉnh HD cấp ngày 23/5/2011 mang tên ông NVT và bà LTY.

leftcenterrightdel
Quang cảnh Hội nghị tập huấn công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính do VKSND tối cao tổ chức 

Kể từ khi đến hạn thanh toán, Công ty TNHH TT không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan THADS xử lý tài sản thế chấp trên để thanh toán khoản nợ, nếu khối tài sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ trả nợ thì Công ty TNHH TT sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng số tiền còn thiếu.

Quá trình tổ chức thi hành án: Sau khi nhận đơn yêu cầu THA, Chi cục THADS TP HD ra Quyết định THA số 38/QĐ-CCTHA ngày 13/01/2014 thi hành nội dung theo thỏa thuận; ngày 28/11/2014 đã tiến hành kê biên 2 tài sản thế chấp của ông NVT và bà LTY để đảm bảo thi hành án theo đề nghị của Ngân hàng gồm: Quyền sử dụng đất và các tài sản trên đất cùng quyền và lợi ích phát sinh từ quyền sử dụng đất tại số 7922, khu đô thị phía Tây, phường TB, thành phố HD, tỉnh HD, diện tích 77m2, vào sổ cấp Giấy CNQSD số CH000177 do UBND thành phố HD, tỉnh HD cấp ngày 22/4/2011 mang tên ông NVT và bà LTY và Quyền sử dụng đất và các tài sản trên đất cùng quyền và lợi ích phát sinh từ quyền sử dụng đất tại số 63, đường Ngô Quyền, phường TB, thành phố HD, tỉnh HD, diện tích 95m2, vào sổ cấp Giấy CNQSD số CH000288 do UBND thành phố HD, tỉnh HD cấp ngày 23/5/2011 mang tên ông NVT và bà LTY.

Ngày 26/5/2015, Chi cục THADS TP HD nhận được Thông báo số 01/2015/TBTL ngày 2/5/2015 của TAND TP Hải Dương về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty TNHH TT; căn cứ khoản 2 Điều 49 Luật THADS năm 2014, Chi cục THADS TP HD ra Quyết định số 06/QĐ-CCTHA ngày 25/6/2015 tạm đình chỉ thi hành án số tiền 5 tỷ đồng và lãi chậm thi hành án. Thời hạn tạm đình chỉ kể từ ngày 25/6/2015 cho đến khi có quyết định của Tòa án có thẩm quyền về việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản.

Ngày 9/2/2018, Chi cục THADS TP HD nhận được đơn đề nghị tiếp tục thi hành án của Ngân hàng đối với Công ty TNHH TT do tài sản sản thế chấp của bên thứ ba không phải tài sản thuộc sở hữu của người phải thi hành án là Công ty TNHH TT, không liên quan đến việc xử lý tài sản bên thứ ba.

Ngày 22/2/2018, Chi cục THADS TP HD có văn bản đề nghị TAND TP HD trả lời về việc giải quyết tài sản của bên thứ ba đang thế chấp tại Ngân hàng khi làm thủ tục phá sản. Ngày 5/3/2018, TAND TP HD có Văn bản số 68/2018/CV-TA trả lời “Hiện nay, TAND TP HD đang giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản đối với Công ty TNHH TT.

Theo quy định của Luật Phá sản, trong quá trình giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp thì Tòa án chỉ giải quyết và xử lý đối với tài sản của doanh nghiệp. Vì vậy, Tòa án sẽ không giải quyết và xử lý đối với tài sản của bên thứ ba. Đối với tài sản của bên thứ ba thì các chủ nợ vẫn thực hiện theo thỏa thuận tại các hợp đồng hoặc thực hiện theo các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Sau khi Chi cục THADS TP HD đã họp liên Ngành với VKSND TP HD thống nhất quan điểm: Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 37; đoạn 3 khoản 3 Điều 54 Luật THADS năm 2014, ngày 20/3/2018, Chi cục THADS TP HD đã ra Quyết định số 42/QĐ-CCTHADS về việc thu hồi Quyết định tạm đình chỉ thi hành án số 05/QĐ-CCTHA ngày 25/6/2018 đồng thời thông báo cho các bên đương sự và người có quyền nghĩa vụ liên quan biết và thực hiện.

Những nội dung cần rút kinh nghiệm

Theo VKSND tối cao, khoản 2 Điều 49 Luật THADS năm 2014 quy định về tạm đình chỉ thi hành án: “2. Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của Tòa án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án. Thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án”.

Điểm g khoản 1 Điều 50 Luật THADS năm 2014 quy định về đình chỉ thi hành án: “1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp sau đây: g) Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án”.

Khoản 1 Điều 41 Luật Phá sản năm 2014 quy định về tạm đình chỉ: “1. Cơ quan thi hành án dân sự phải tạm đình chỉ thi hành án dân sự về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án, trừ bản án, quyết định buộc doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự hoặc trả lương cho người lao động. Việc tạm đình chỉ được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”.

leftcenterrightdel
Các đại biểu dự Hội nghị tập huấn công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính 

Khoản 2 Điều 71 quy định xử lý việc tạm đình chỉ thi hành án dân sự, giải quyết vụ việc “2. Trường hợp Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản, Tòa án nhân dân, Trọng tài, cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định tạm đình chỉ theo quy định tại Điều 41 của Luật này phải ra quyết định đình chỉ và chuyển hồ sơ vụ việc cho TAND đang tiến hành thủ tục phá sản để giải quyết”.

Căn cứ các quy định nêu trên, cơ quan THADS ban hành quyết định tạm đình chỉ khi Tòa án thụ lý đơn mở thủ tục phá sản và đình chỉ thi hành án khi Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, không phân biệt đó là tài sản của doanh nghiệp hay của bên thứ ba. Nếu không tạm đình chỉ và đình chỉ thi hành án mà tiếp tục tổ chức thi hành án đối với tài sản bảo đảm của người thứ ba thì sẽ không phù hợp với quy định của Luật Phá sản, vì khi giải quyết phá sản doanh nghiệp, Tòa án phải giải quyết toàn diện nghĩa vụ tài sản (khoản nợ) của doanh nghiệp bao gồm khoản nợ bảo đảm và khoản nợ không bảo đảm, qua đó để bảo đảm quyền lợi của các chủ nợ.

Việc xử lý tài sản bảo đảm sau khi Tòa án có quyết định mở thủ tục phá sản: Khoản 5 Điều 4 Luật phá sản quy định: Chủ nợ có bảo đảm là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba. Theo quy định này thì Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam là chủ nợ có bảo đảm có quyền yêu cầu Công ty TNHH TT phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ bằng tài sản của doanh nghiệp hoặc của người có tài sản bảo đảm và việc xử lý khoản nợ có bảo đảm phải được thực hiện theo quy định tại Điều 53 Luật phá sản:

1. Sau khi mở thủ tục phá sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề xuất Thẩm phán về việc xử lý khoản nợ có bảo đảm đã được tạm đình chỉ theo quy định tại khoản 3 Điều 41 của Luật này, Thẩm phán xem xét và xử lý cụ thể như sau:a) Trường hợp tài sản bảo đảm được sử dụng để thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì việc xử lý đối với tài sản bảo đảm theo Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ; b) Trường hợp không thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh hoặc tài sản bảo đảm không cần thiết cho việc thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì xử lý theo thời hạn quy định trong hợp đồng đối với hợp đồng có bảo đảm đã đến hạn. Đối với hợp đồng có bảo đảm chưa đến hạn thì trước khi tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Tòa án nhân dân đình chỉ hợp đồng và xử lý các khoản nợ có bảo đảm. Việc xử lý khoản nợ có bảo đảm theo quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Trường hợp tài sản bảo đảm có nguy cơ bị phá hủy hoặc bị giảm đáng kể về giá trị thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề nghị Thẩm phán cho xử lý ngay tài sản bảo đảm đó theo quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực hiện như sau: a) Đối với khoản nợ có bảo đảm được xác lập trước khi Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó; b) Trường hợp giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán số nợ thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; nếu giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn số nợ thì phần chênh lệch được nhập vào giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Như vậy, theo các quy định này thì sau khi mở thủ tục phá sản, Tòa án phải xem xét, xử lý khoản nợ có bảo đảm của doanh nghiệp phá sản (Công ty TNHH TT) bao gồm cả việc xem xét khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của người thứ ba để thực hiện nghĩa vụ cho Ngân hàng TMCP kỹ thương Việt Nam. Do đó, Văn bản giải thích số 68/2018/CV-TA ngày 5/3/2018 của TAND thành phố HD với nội dung: Hiện nay, TAND TP HD đang giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản đối với Công ty TNHH TT.

Theo quy định của Luật Phá sản, trong quá trình giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp thì Tòa án chỉ giải quyết và xử lý đối với tài sản của doanh nghiệp. Vì vậy, Tòa án sẽ không giải quyết và xử lý đối với tài sản của bên thứ ba. Đối với tài sản của bên thứ ba thì các chủ nợ vẫn thực hiện theo thỏa thuận tại các hợp đồng hoặc thực hiện theo các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật là không đúng quy định của Luật phá sản.

P.V