Theo Thông báo số 534/TB-VKSTC, ngày 20/6/2018 VKSND tối cao (Vụ 10) đã ban hành Hướng dẫn số 2607/VKSTC-V10 yêu cầu VKSND cấp cao, VKS địa phương báo cáo công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hành chính, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Kết quả cho thấy, VKSND tối cao đã nhận được báo cáo của 66/67 đơn vị. Cơ bản VKSND các tỉnh, thành phố đã chấp hành nghiêm quy định về thời hạn gửi báo cáo đến VKSND tối cao… Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị thực hiện gửi báo cáo chậm theo quy định.
Về nội dung chất lượng báo cáo, Thông báo số 534/TB-VKSTC nêu rõ: Cơ bản VKS các địa phương đã có sự quan tâm, đầu tư xây dựng báo cáo đảm bảo yêu cầu về thể thức, nội dung. Các báo cáo đã đánh giá được ưu điểm, tồn tại hạn chế, những nội dung cần rút kinh nghiệm về thực hiện quyền kháng nghị, phương pháp phát hiện vi phạm, tích lũy vi phạm, kinh nghiệm đã đúc kết trong quá trình kiểm sát giải quyết vụ án, kiểm sát bản án, quyết định của đơn vị. Bên cạnh đó, một số VKS địa phương thực hiện tốt, bám sát đề cương báo cáo cũng như nội dung công văn yêu cầu. Báo cáo đã nêu tình hình bản án, quyết định có vi phạm, liệt kê được các dạng vi phạm, đồng thời đưa ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác kháng nghị phúc thẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được công tác báo cáo của các địa phương còn một số tồn tại, hạn chế về số liệu như: Số liệu không đầy đủ, chưa bám sát với nội dung yêu cầu, không có số liệu hoặc không có phụ lục báo cáo kèm theo; một số địa phương báo cáo và phụ lục báo cáo không phản ánh đúng thực trạng công tác kiểm sát giải quyết đối với các loại án, phụ lục báo cáo không phát sinh số liệu, tuy nhiên thực tế hầu hết các VKS đều thực hiện công tác kiểm sát... Một số VKS địa phương đã tổng hợp số liệu báo cáo nhưng không tách số liệu theo phụ lục nên rất khó trong quá trình tổng hợp.
Bên cạnh đó, nhiều VKS địa phương chưa bám sát công văn của VKSND tối cao để xây dựng báo cáo, dẫn đến báo cáo không đúng, không đủ. Cụ thể tại phần 1. “Tình hình chung” nhiều VKS không tập trung đánh giá về tình hình vi phạm của bản án, quyết định mà lại nêu tình hình tranh chấp xảy ra tại địa phương. Hoặc đã tổng hợp được tình hình bản án, quyết định có vi phạm nhưng chưa nêu rõ các dạng vi phạm của tòa là vi phạm về thủ tục tố tụng hay vi phạm về nội dung. Đối với những loại vi phạm như vậy thì VKS đã ban hành loại công văn nào để yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm như yêu cầu, kiến nghị hay kháng nghị… Từ đó rất ít địa phương đưa ra được kinh nghiệm và rút kinh nghiệm cụ thể đối với từng loại án, từng loại tranh chấp.
Cá biệt có đơn vị còn có nhận thức chưa đúng quy định của Luật, báo cáo nêu: “Nếu Tòa án không tiến hành thu thập chứng cứ theo yêu cầu của VKS mà vẫn đưa vụ án ra xét xử và tại phiên tòa cũng không bổ sung được những vấn đề mà VKS đã yêu cầu thu thập thì Kiểm sát viên vẫn tham gia phiên tòa nhưng không phát biểu quan điểm về nội dung giải quyết vụ án và sẽ báo cáo lãnh đạo Viện sau khi kết thúc phiên tòa để xem xét kháng nghị phúc thẩm theo thẩm quyền”. Đây là quan điểm chỉ đạo chưa chính xác vì theo quy định tại Điều 190 Luật Tố tụng hành chính và Điều 262 Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định thì Kiểm sát viên phải phát biểu quan điểm về sự tuân theo pháp luật và về nội dung giải quyết vụ án. Trong trường hợp này VKS vẫn phát biểu về nội dung giải quyết vụ án cụ thể là: “Các căn cứ trong hồ sơ vụ án chưa đầy đủ, VKS đã yêu cầu thu thập tài liệu, chứng cứ nhưng tòa án không thu thập theo yêu cầu của VKS thì Kiểm sát viên vẫn phải phát biểu quan điểm chưa đủ cơ sở để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện và đề nghị HĐXX tạm ngừng phiên tòa để thu thập thêm tài liệu chứng cứ. Trường hợp Tòa án vẫn xét xử và ban hành bản án hoặc quyết định thì VKS sẽ thực hiện quyền năng pháp lý theo Luật định”.
Xem toàn bộ Thông báo số 534/TB-VKSTC tại đây: tb-534-vkstc.doc
P.V
Thông báo số 534/TB-VKSTC nêu rõ: Đề nghị các đồng chí Viện trưởng VNSND cấp cao và Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ bám sát đề cương và nội dung yêu cầu của báo cáo nêu trong công văn 2607/VKSTC - V10 ngày 20/6/2018 để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định giải quyết vụ án hành chính, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định pháp luật trong năm 2018. |