Thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết, xét xử các vụ, việc dân sự theo trình tự phúc thẩm, VKSND tỉnh Phú Thọ nhận thấy, cần thông báo rút kinh nghiệm về những thiếu sót, vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án “Tranh chấp chia di sản thừa kế” do VKSND huyện Cẩm Khê kiểm sát việc giải quyết, xét xử sơ thẩm.

Theo đó, VKSND tỉnh Phú Thọ đã ra Thông báo rút kinh nghiệm đối với vụ án “Tranh chấp chia di sản thừa kế” giữa nguyên đơn là ông Hà Văn Châu và bị đơn là ông Hà Công Chỉnh ở huyện Cẩm Khê.

Tranh chấp di sản thừa kế không để lại di chúc

Bố mẹ đẻ ông Hà Văn Châu là cụ Hà Văn Xiêm  (chết năm 1990) và cụ Nguyễn Thị Êm (chết năm 2000). Có 3 người con đẻ, gồm: ông Hà Văn Châu; ông Hà Công Chỉnh; ông Hà Văn Nga (chết năm 2002) và 1 người con nuôi là bà Hà Thị Xen (chết năm 2010).

Khi còn sống, cụ Xiêm và cụ Êm có quyền sử dụng hợp pháp 2 thửa đất thổ cư số 9, số 10, tờ bản đồ 16, tổng diện tích 1.670m2 tại khu 1 (nay là khu Cầu Tiến), xã Xương Thịnh, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Khi cụ Xiêm và cụ Êm chết, không để lại di chúc.

Ngày 22/12/2000, UBND huyện Cẩm Khê cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy CNQSDĐ) đứng tên chủ hộ sử dụng là bà Nguyễn Thị Loan (vợ ông Hà Công Chỉnh) đối với 2 thửa đất số 9 và thửa số10 nêu trên mà không có sự đồng ý của các đồng thừa kế.

Nay ông Hà Văn Châu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản do cụ Xiêm và cụ Êm để lại là quyền sử dụng 2 thửa đất nêu trên.

Ông Chỉnh và bà Loan không nhất trí với yêu cầu chia thừa kế của ông Châu vì cho rằng 2 thửa đất nêu trên, cụ Xiêm và cụ Êm đã có di chúc là "Tờ di sản" do cụ Xiêm viết ngày 10/9/1990, nội dung là để lại toàn bộ 2 thửa đất nêu trên và các tài sản trên đất cho vợ chồng ông làm tài sản riêng. Sau khi cụ Xiêm chết, đến ngày 17/10/1990, cụ Êm mới ký và lấy tờ di chúc đưa cho ông quản lý. Như vậy, các cụ đã giao 2 thửa đất này cho vợ chồng ông quản lý từ năm 1980. Vợ chồng ông bà đã sử dụng đất ổn định và có đóng thuế đầy đủ. Do đó, 2 thửa đất nêu trên là của vợ chồng ông được bố mẹ cho hợp pháp và UBND huyện Cẩm Khê cấp Giấy CNQSDĐ cho ông bà là đúng.

Quá trình giải quyết của Tòa án

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2022/DSST ngày 13/1/2022 của TAND huyện Cẩm Khê căn cứ vào: Điều 4, Điều 10, khoản 1 Điều 12, Điều 13, Điều 14, khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh thừa kế ngày 30/8/1990; khoản 1 Điều 2, khoản 2 Điều 3 Luật Đất đai năm 1993 và khoản 3 Điều 690 Bộ luật dân sự 1995; khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 165, điểm b khoản 2 Điều 227; khoản 1, 3 Điều 228 và khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; điểm đ Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Hà Văn Châu, về việc chia thừa kế quyền sử dụng thửa đất số 9, tờ bản đồ số 16, diện tích 745m2 (400m2 đất ở, 345m2 đất trồng cây lâu năm) và thửa đất số 10, tờ bản đồ 16, diện tích 925m2 đất trồng cây lâu năm; đều có địa chỉ tại khu 1 (nay là khu Cầu Tiến), xã Xương Thịnh, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, đã được UBND huyện Sông Thao (nay là UBND huyện Cẩm Khê) cấp Giấy CNQSDĐ số Q427267 ngày 22/12/2000 đứng tên chủ hộ là Nguyễn Thị Loan.

Ngoài ra, bản án còn tuyên án phí, chi phí tố tụng, tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 24/1/2022, ông Châu có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nêu trên.

Bản án dân sự phúc thẩm số 17/2022/DS-PT ngày 25/4/2022 của TAND tỉnh Phú Thọ quyết định: Căn cứ khoản 3 Điều 308 và khoản 1 Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Xử: Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2022/DS-ST ngày 13/01/2022 của TAND huyện Cẩm Khê. Chuyển hồ sơ vụ án cho TAND huyện Cẩm Khê xét xử lại vụ án theo quy định của pháp luật.

Vấn đề cần rút kinh nghiệm:

Về thủ tục tố tụng: Trên cơ sở tài liệu có trong hồ sơ thể hiện: Giấy CNQSDĐ cấp cho hộ bà Nguyễn Thị  Loan, nhưng quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm chưa đưa những người có cùng hộ khẩu với bà Loan tại thời điểm cấp Giấy CNQSDĐ tham gia tố tụng, như vậy là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Về đánh giá chứng cứ:

+ Xét về nguồn gốc thửa đất: Các bên đương sự và chính quyền địa phương đều xác định 2 thửa đất đang có tranh chấp, mà đương sự yêu cầu chia di sản thừa kế, đã được cấp Giấy CNQSDĐ mang tên hộ bà Nguyễn Thị Loan, có nguồn gốc của cụ Xiêm và cụ Êm (là bố mẹ đẻ của ông Châu và ông Chỉnh) tạo dựng nên. Ông Châu cho rằng, khi chết hai cụ không để lại di chúc. Ông Chỉnh, bà Loan xuất trình một bản di chúc của cụ Xiêm và cụ Êm, với nội dung để lại toàn bộ tài sản cho vợ chồng ông.

+ Xét về di chúc: Cụ Xiêm viết "Tờ di sản" ngày 10/9/1980, đến 24/7/1990 cụ Xiêm chết, tại thời điểm mở thừa kế, Pháp lệnh thừa kế năm 1990 đang có hiệu lực pháp luật. Đối chiếu với quy định thì về hình thức và nội dung của " Tờ di sản" chưa phù hợp với Điều 13, Điều 14  Pháp lệnh thừa kế năm 1990.

Bên cạnh đó, khi kê khai, đo đạc làm thủ tục cấp Giấy CNQSDĐ đối với 2 thửa đất nêu trên không có ý kiến của các đồng thừa kế.

+ Xét về hồ sơ cấp Giấy CNQSDĐ: Theo chính quyền địa phương cung cấp, khi có chủ trương kê khai để cấp Giấy CNQSDĐ (năm 1997, 1999, 2000). Khi đó, đoàn đo đạc và xã thông báo cho người dân đến nhà văn hóa khu để kê khai, mỗi gia đình thống nhất cử một người đại diện đến kê khai, thường là chủ sử dụng đất hoặc người được tặng cho quyền sử dụng đất, lúc đó, ông Châu đã đi công tác, ông Chỉnh đang trong quân ngũ, tại thời điểm kê khai chỉ có vợ ông Chỉnh là bà Loan ở nhà cùng mẹ ông Chỉnh (bố ông Chỉnh đã chết) nên bà Loan đứng ra kê khai cấp Giấy CNQSDĐ đối với 2 thửa đất nêu trên, nên đứng tên bà Loan.

Như vậy, hồ sơ cấp Giấy CNQSDĐ không thuộc trường hợp được tặng cho hay chuyển nhượng và như phân tích trên cũng không thuộc trường hợp được hưởng di sản theo di chúc.

Từ những phân tích nêu trên thấy rằng ,Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét toàn diện, khách quan các tài liệu, chứng cứ dẫn đến xác định không còn di sản để chia là chưa đúng.

Do Tòa án cấp sơ thẩm xác định không còn di sản thừa kế nên không tiến hành đo đạc, thẩm định theo hướng chia di sản, vì vậy, không có ranh giới, mốc giới cụ thể, cũng như kỷ phần của từng đồng thừa kế, nên Tòa án cấp phúc thẩm không có cơ sở để sửa án.

Xét thấy, những vi phạm nêu trên của bản án sơ thẩm là nghiêm trọng mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Do vậy, Tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định hủy bản án sơ thẩm. Giao hồ sơ cho Tòa án sơ thẩm giải quyết lại theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

PV