Qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại theo thủ tục giám đốc thẩm, đối với vụ án kinh doanh thương mại: “Tranh chấp hợp đồng mua bán điện”, giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Danh (Công ty Thanh Danh) và Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn Phát (Công ty Vạn Phát) với bị đơn là Tổng công ty Điện lực Miền Trung và Công ty Điện lực tỉnh G, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng (Viện cấp cao 2) vừa ban hành thông báo rút kinh nghiệm về kiểm sát việc giải quyết đối với vụ án này (Thông báo số 01 ngày 7/12/2023).

Nội dung vụ án thể hiện, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung uỷ quyền cho Chi nhánh là Công ty Điện lực tỉnh G ký kết 2 hợp đồng mua bán điện giữa bên bán điện (bên A) là Công ty Thanh Danh, Công ty Vạn Phát với bên mua (bên B) là Tổng Công ty Điện lực Miền Trung, thời hạn thực hiện hợp đồng từ ngày 26/12/2020 đến ngày 16/12/2040. Theo Biên bản nghiệm thu ngày 26/12/2020, xác định đối tượng nghiệm thu là: “Thông số kỹ thuật của các tấm pin quang điện và bộ chuyển đổi Inverter”, nhưng có ghi số lượng tấm pin là: 2.439 tấm.

Thực hiện hợp đồng, Công ty điện lực tỉnh G thanh toán tiền điện 3 lần tương ứng với các tháng là: 12/2020, 1/2021, 2/2021 và sau đó tạm ngưng thanh toán tiền điện từ ngày 11/3/2021, với lý do qua kiểm tra Công ty Thanh Danh lắp dư 779 tấm pin 410 Wp so với nghiệm thu ban đầu; Công ty Vạn Phát lắp dư 334 tấm pin 410 Wp so với nghiệm thu ban đầu. Do đó, phía điện lực sẽ không thực hiện xác nhận thanh toán tiền điện đối với phần lắp đặt vượt công suất trong hợp đồng mua bán điện đã ký kết.

Sau đó, Công ty Điện lực tỉnh G tổ chức cho kiểm đếm và lập Biên bản ghi nhận số lượng tấm pin của hệ thống điện mặt trời tại 2 công ty. Theo kết quả này thì hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty Thanh Danh đã nâng vượt công suất trong hợp đồng mua bán điện đã ký kết là 195,55 KWp tương ứng với 476 tấm pin lắp dư; Công ty Vạn Phát nâng vượt công suất trong hợp đồng mua bán điện đã ký kết là 195,96 KWp tương ứng với 477 tấm pin lắp dư, là vi phạm hợp đồng, nên việc cơ quan điện lực không thực hiện xác nhận sản lượng điện sản xuất của hệ thống để thanh toán tiền điện là đúng.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên toà rút kinh nghiệm vụ án kinh doanh thương mại. (Ảnh minh hoạ)

Sau đó hai công ty trên đã khởi kiện yêu cầu Toà án buộc Công ty Điện lực tỉnh G và Tổng Công ty Điện lực Miền Trung tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết và thanh toán tiền mua điện và lãi phạt chậm thanh toán.

Quá trình giải quyết vụ án thể hiện, Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 17/2022/KDTM-ST ngày 15/9/2022 của TAND thành phố P, tỉnh G, tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Thanh Danh và Công ty Vạn Phát, buộc Công ty Điện lực Miền Trung và Công ty Điện lực tỉnh G phải liên đới thanh toán cho Công ty Thanh Danh, cho Công ty Vạn Phát mỗi công ty với tổng số tiền là gần 5,9 tỉ đồng.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung kháng cáo. Tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 05/2023/KDTM-PT ngày 17/3/2023, TAND tỉnh G, quyết định: Chấp nhận kháng cáo của Công ty Điện lực Miền Trung; huỷ Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 17/2022/KDTM-ST ngày 15/9/2022 của TAND thành phố P, tỉnh G. Chuyển hồ sơ vụ án cho TAND thành phố P, tỉnh G giải quyết theo quy định của pháp luật. Sau đó, nguyên đơn là 2 công ty có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm nêu trên.

Quyết định giám đốc thẩm số 12/2023/KDTM-GĐT ngày 19/9/2023 của Uỷ ban thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng, quyết định: Chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm số 06/2023/KN-KDTM ngày 17/8/2023 của Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng. Huỷ toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 05/2023/KDTM-PT ngày 17/3/2023 của TAND tỉnh G và Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 17/2022/KDTM-ST ngày 15/9/2022 của TAND thành phố P, tỉnh G. Giao hồ sơ vụ án cho TAND thành phố P, tỉnh G để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, đúng quy định của pháp luật.

Trong vụ án trên, theo Viện cấp cao 2 có những nội dung cần rút kinh nghiệm. Cụ thể, Toà án cấp phúc thẩm xác định văn bản uỷ quyền số 4354/UQ- EVNCPC ngày 21/5/2019 của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung là uỷ quyền cho cá nhân, không phải uỷ quyền cho Chi nhánh nhân danh mình thực hiện việc ký kết hợp đồng, do đó tranh chấp hợp đồng mua bán điện nêu trên không phải là tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh, từ đó xác định TAND thành phố P, tỉnh G thụ lý và giải quyết vụ án không đúng thẩm quyền là không chính xác.

Công ty Điện lực tỉnh G chỉ là Chi nhánh của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung nên không có tư cách pháp nhân và ký kết hợp đồng với nguyên đơn theo sự uỷ quyền của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung, nên theo quy định tại khoản 6 Điều 84 Bộ luật dân sự, thì Tổng Công ty Điện lực Miền Trung có quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do Công ty Điện lực tỉnh G xác lập và thực hiện. Lẽ ra, Toà án cấp sơ thẩm phải yêu cầu nguyên đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, xác định Tổng Công ty Điện lực Miền Trung là bị đơn, Công ty Điện lực tỉnh G là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, để trên cơ sở đó giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chính xác.

Bên cạnh đó, nguyên đơn khởi kiện Tổng Công ty Điện lực Miền Trung mà đại diện là Công ty Điện lực tỉnh G. Tuy nhiên, nguyên đơn yêu cầu Công ty Điện lực tỉnh G phải cùng Tổng Công ty Điện lực Miền Trung thanh toán tiền điện và tiền lãi chậm trả theo quy định. Từ đó, Toà án cấp sơ thẩm xác định Tổng Công ty Điện lực Miền Trung và Công ty Điện lực tỉnh G đều là bị đơn trong vụ án và tuyên buộc Công ty Điện lực tỉnh G phải liên đới cùng Tổng Công ty Điện lực Miền Trung thanh toán cho nguyên đơn số tiền gần 11,8 tỉ đồng là không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Điện lực tỉnh G.

P.V