leftcenterrightdel
 Quang cảnh buổi tuyên truyền.

Nhằm giúp thầy cô giáo, các em học sinh và phụ huynh có cái nhìn thực tế và sinh động hơn về các hành vi vi phạm pháp luật, VKSND TP Uông Bí đã chọn mô hình phiên toà giả định về tội “Gây rối trật tự công cộng” để từ đó lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

Nội dung vụ án giả định như sau: Khoảng 22 giờ ngày 29/4/2023, tại đường nội thị thuộc các phường Quang Trung, Trương Vương và tổ 1, phường Yên Thanh, TP Uông Bí, Nguyễn Văn Hòa điều khiển xe mô tô BKS: 14Y3-586.98 chở Phạm Quốc Kiên cầm theo dao phóng lợn (là hung khí nguy hiểm) chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, bấm còi inh ỏi, Kiên ngồi sau quẹt lưỡi dao phóng lợn xuống lòng đường, gây tiếng động, đi trên các tuyến đường nội thị TP Uông Bí đuổi, đánh anh Nguyễn Văn Đạt, đang điều khiển xe mô tô ngã ra đường. Hành vi nêu trên của Phạm Quốc Kiên, Nguyễn Văn Hòa gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong quần chúng nhân dân và những người tham gia giao thông trên đường, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại địa phương.

leftcenterrightdel
Các thầy, cô giáo, các em học sinh và phụ huynh có cái nhìn thực tế và sinh động hơn về các hành vi vi phạm pháp luật thông qua phiên tòa giả định.

Căn cứ vào các tình tiết và chứng cứ thu thập được, VKSND  TP Uông Bí quyết định truy tố ra trước TAND TP Uông Bí để xét xử Phạm Quốc Kiên, Nguyễn Văn Hòa về tội “Gây rối trật tự công cộng”, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 318 Bộ luật hình sự.

Thông qua quá trình xét hỏi, tranh tụng và tuyên án tại phiên tòa giả định, các em học sinh cùng phụ huynh học sinh đã hiểu rõ hơn quy định pháp luật về an toàn, trật tự xã hội. Đồng thời, truyền tải thông điệp đến các em học sinh về việc phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho chính bản thân mình và những người xung quanh.

Trước những lập luận sắc bén, có lý, có tình của Hội đồng xét xử, các “bị cáo” đã nhận thức đầy đủ hành vi vi phạm của bản thân, tỏ rõ thái độ ăn năn và mong muốn được tạo cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Trên cơ sở tính chất, mức độ vi phạm và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Phạm Quốc Kiên 24 tháng tù, bị cáo Nguyễn Văn Hòa 18 tháng tù. Đây là “mức án” phù hợp, có tính răn đe, đồng thời chuyển tải thông điệp đến các em học sinh về việc phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và hậu quả phải gánh chịu, nếu vi phạm…

Nhân dịp này, Đội Cảnh Sát giao thông – Công an TP Uông Bí đã cùng phối hợp tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, những hậu quả do vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây ra. Bên cạnh đó, Công an TP Uông Bí đã trang bị một số kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông cho các em học sinh như: Kỹ năng điều khiển xe đạp, xe đạp điện an toàn; những kiến thức khi ngồi sau xe máy; sự cần thiết phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn; những lỗi vi phạm giao thông phổ biến ở lứa tuổi thanh, thiếu niên và cách phòng tránh…

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên công bố bản cáo trạng tại phiên toà.

Đặc biệt nhấn mạnh, các em học sinh không được điều khiển xe mô tô phân khối lớn đến trường khi chưa đủ tuổi và chưa có bằng lái xe theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn các em học sinh ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, tự giác chấp hành nghiêm quy tắc giao thông đường bộ; cách xử lý tình huống khi có tai nạn giao thông xảy ra; những nguyên nhân và hậu quả của tai nạn giao thông; mức độ xử lý khi học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ…
Việc tổ chức những buổi tuyên truyền pháp luật và phiên tòa giả định là hoạt động thiết thực, giúp các em học sinh cùng các bậc phục huynh hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về trật tự an toàn xã hội cũng như hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, tính nghiêm minh của pháp luật… Qua đó, tăng cường tính giáo dục, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, đặc biệt trong thanh, thiếu niên.

 

Thanh Huyền