Lập khống 7 hợp đồng, tham ô gần 4,4 tỉ đồng

Theo nội dung bản án, Công ty Cổ phần vận tải ô tô số 2 Lạng Sơn (Công ty 2 Lạng Sơn) tiền thân là Xí nghiệp Vận tải ô tô tỉnh Lạng Sơn, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn. Từ tháng 8/2010 – tháng 2/2016, Nguyễn Tuấn Anh là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật. 

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, trong hai năm 2011 và 2012, Nguyễn Tuấn Anh đã nhờ Phạm Thị Loan (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) liên hệ với Vũ Tiến Thuật (nhân viên Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Vĩnh Phúc), Nguyễn Thị Hoa Anh (nhân viên kế toán Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ và dịch vụ tự động hóa) và một số đối tượng khác để soạn thảo, ký 7 hợp đồng kinh tế và mua 7 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống với các Công ty Bảo Hân, Antrick, Nhất Trung, Trường Phát với nội dung thuê thiết kế, cải tạo nội thất, mua sắm trang thiết bị và sửa chữa điện, nước tại số 52 Lê Đại Hành và số 28A Ngô Quyền TP Lạng Sơn, tổng giá trị 7 hợp đồng là gần 4,4 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
Bị cáo Nguyễn Tuấn Anh tại phiên tòa sơ thẩm. 

Để rút và chiếm đoạt tiền, Nguyễn Tuấn Anh đã giao cho Hoàng Thu Hường, thực hiện thủ tục thanh toán bằng các ủy nhiệm chi. Hoàng Thu Hường đã thực hiện thủ tục thanh toán và viết 12 ủy nhiệm chi để Nguyễn Tuấn Anh ký, chuyển số tiền 4,4 tỉ đồng từ tài khoản của Công ty 2  Lạng Sơn vào tài khoản của các công ty mua bán hóa đơn khống.

Trong tổng số tiền 4,4 tỉ đồng được chuyển từ tài khoản của Công ty 2 Lạng Sơn vào tài khoản của các công ty “ma”, Nguyễn Tuấn Anh chỉ đạo Hoàng Thu Hường chuyển 3,1 tỉ đồng thanh toán cho 5 hợp đồng kinh tế khống ký với các công ty này. Sau đó nhờ người rút tiền lòng vòng, tạo một khoản vay của Công ty 2 Lạng Sơn với một cá nhân. Sau đó, Nguyễn Tuấn Anh chỉ đạo cấp dưới xuất tiền của công ty để trả nợ, nhưng thực chất là để chiếm đoạt. Tiền chiếm đoạt được Nguyễn Tuấn Anh chỉ đạo chuyển hết cho công ty riêng của mình quản lý là Hoa Nam, Hoa Việt. 

Quá trình điều tra, Nguyễn Tuấn Anh khai nhận, việc thanh toán, đã chỉ đạo Hoàng Thu Hường thực hiện thanh toán bằng các ủy nhiệm chi. Nguồn tiền để thanh toán cho 7 hợp đồng trên được lấy từ tài khoản của Công ty 2 Lạng Sơn do Nguyễn Tuấn Anh làm chủ tài khoản. Hoàng Thu Hường khai, không biết biên bản nghiệm thu có phản ánh đúng thực tế hay không, không tham gia việc nghiệm thu trên thực tế, không biết các hợp đồng được thực hiện thế nào. 

Nguyễn Tuấn Anh và Hoàng Thu Hường bị truy tố về tội tham ô tài sản (quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 353 BLHS năm 2015) với khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm tù và phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt theo quy định của pháp luật. 

Viện kiểm sát kháng nghị tăng hình phạt

Trở lại phiên xét xử, đại diện VKSND tỉnh Lạng Sơn đã luận tội và đề nghị HĐXX TAND tỉnh Lạng Sơn tuyên các bị cáo Nguyễn Tuấn Anh, Hoàng Thu Hường phạm tội “Tham ô tài sản”, áp dụng điểm a khoản 4 Điều 353 BLHS năm 2015; điểm b, v khoản 1 Điều 51; các Điều 54, 58 BLHS năm 2015, xử phạt bị cáo Nguyễn Tuấn Anh từ 15 đến 16 năm tù, bị cáo Hoàng Thu Hường từ 4 đến 5 năm tù. Tuy nhiên, ngày 6/7/2020, HĐXX TAND tỉnh Lạng Sơn đã tuyên về tội danh, áp dụng pháp luật như đề nghị của Viện kiểm sát, nhưng chỉ xử phạt 5 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Tuấn Anh, xử phạt 2 năm tù cho hưởng án treo đối với bị cáo Hoàng Thu Hường.

Nhận thấy mức án đưa ra không tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo, ngày 20/7/2020, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án tham nhũng (Vụ 5, VKSND tối cao, là đơn vị kiểm sát điều tra vụ án) VKSND tối cao có Công văn đề nghị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với Bản án hình sự nêu trên về phần hình phạt tù đối với bị cáo Nguyễn Tuấn Anh theo hướng tăng hình phạt tù.

Theo công văn đề nghị kháng nghị, Vụ 5 cho rằng, bị cáo Nguyễn Tuấn Anh giữ vai trò chính trong vụ án, không thành khẩn khai báo, phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, quy định tại điểm a khoản 4 Điều 353 BLHS năm 2015, theo quy định của pháp luật thì phải xử phạt với mức hình phạt tù như đề nghị của Viện kiểm sát mới tương xứng với vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, nhưng HĐXX, TAND tỉnh Lạng Sơn chỉ xử phạt bị cáo 5 năm tù là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015.

Vì vậy, Vụ 5 đã báo cáo xin ý kiến và các đồng chí lãnh đạo VKSND tối cao thống nhất quan điểm cần phải kháng nghị Bản án hình sự sơ thẩm số 26/2020/HSST ngày 06/7/2020 của TAND tỉnh Lạng Sơn về phần hình phạt tù đối với bị cáo Nguyễn Tuấn Anh theo hướng tăng mức hình phạt tù.

Theo đó, ngày 30/7/2020, VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm Bản án sơ thẩm số 26/2020/HSST ngày 6/7/2020 của TAND tỉnh Lạng Sơn. Theo nội dung kháng nghị, Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Giám đốc Công ty 2 Lạng Sơn, là người có chức vụ, quyền hạn, có trách nhiệm quản lý tài sản của Công ty 2 Lạng Sơn nhưng trong khoảng thời gian từ tháng 11/2011 đến tháng 4/2012, bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, lập 7 bộ hợp đồng giả tạo để chuyển và chiếm đoạt tổng số tiền gần 4,4 tỉ đồng của Công ty 2 Lạng Sơn. 

Mặc dù bị cáo đã trả lại số tiền 4,1 tỉ  đồng để khắc phục hậu quả, bị cáo có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác. Tuy nhiên, xét thấy với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của hành vi do bị cáo gây ra, bị cáo tham gia với vai trò chủ mưu, hành vi phạm tội của bị cáo thuộc theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 53 Bộ luật hình sự quy định mức hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc từ hình. 

Việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự kết án bị cáo 5 năm tù (nằm trong khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm của khoản 1 Điều 353 Bộ luật Hình sự) là quá nhẹ, không tương xứng với mức độ hành vi phạm tội do bị cáo gây ra, không đánh giá hết vai trò của bị cáo trong vụ án. Do vậy, cần phải có mức án nghiêm khắc, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, đủ tác dụng giáo dục, răn đe và đấu tranh phòng ngừa chung. Đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm, sửa Bản án sơ thẩm nêu trên, tăng hình phạt tù đối với bị cáo Nguyễn Tuấn Anh.

Hà Nhân