Trong quá trình xem xét vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng Liên doanh Việt Thái (Ngân hàng), bị đơn là Công ty TNHH Đầu tư phát triển Rạng Đông (Công ty Rạng Đông), người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Đoàn Thị Hoàn My, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3) đã có thông báo rút kinh nghiệm chung đối với vụ án này nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp theo chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao.
Theo đó, nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền vay 2.149.744.870 đồng và tiền lãi tạm tính đến ngày 7/5/2014 là 771.683.595 đồng. Tổng cộng 2.950.612.063 đồng và yêu cầu tiếp tục tính lãi phát sinh cho đến ngày bị đơn thanh toán xong hết nợ. Trong trường hợp bị đơn không trả được nợ thì Ngân hàng yêu cầu được phát mãi tài sản đã thế chấp để thu hồi nợ.
Ngày 15/5/2014 TAND quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 09/2014/QĐKDTM-ST, theo đó các bên thỏa thuận: Ngân hàng và Công ty Rạng Đông thống nhất chấm dứt hợp đồng hạn mức tín dụng ... Công ty Rạng Đông có trách nhiệm thanh toán cho Ngân hàng tổng cộng 2.950.612.063 đồng. Ngay khi Công ty Rạng Đông thanh toán xong các khoản nợ cho Ngân hàng thì Ngân hàng có trách nhiệm giải chấp tài sản đã thế chấp theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất do UBND quận 1 cấp ngày 18/11/2010 mang tên bà Đoàn Thị Hoàn My.
Kể từ ngày 8/5/2014 cho đến khi thanh toán xong số tiền nêu trên, Công ty Rạng Đông còn phải chịu lãi của số tiền 2.149.744.870 đồng. Hết thời hạn thỏa thuận nêu trên và kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của Ngân hàng mà Công ty Rạng Đông không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thỏa thuận nêu trên thì Ngân hàng bán đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Sau khi Quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, Chi cục Thi hành án dân sự quận 1, TP Hồ Chí Minh ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản để thi hành án thì xác định người quản lý, sử dụng tài sản thế chấp là bà Nguyễn Thị Tự, ông Trần Anh Dũng, bà Trần Ngọc Châu, ông Trịnh Sỹ Minh, Trịnh Song Thư, Trịnh Tuấn Anh, ông Nguyễn Thảo.
Ngày 20/8/2019, bà Nguyễn Thị Tự có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
|
|
Quang cảnh một phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. (Ảnh minh hoạ) |
Tiếp đó, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3) đã ban hành Quyết định kháng nghị tái thẩm số 27/QĐKNTT-VKS-KDTM ngày 14/11/2019 và được Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị, tuyên huỷ Quyết định công nhận sự thỏa thuận nêu trên, giao hồ sơ về TAND quận Thủ Đức để giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Viện cấp cao 3, vấn đề cần rút kinh nghiệm trong vụ án trên đó là: Khoản 3 Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (nay là khoản 3 Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015) quy định: "Trong trường hợp ... các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trong trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản".
Tại buổi hòa giải ngày 7/5/2014, bà Đoàn Thị Hoàn My là chủ tài sản đã thế chấp cho Ngân hàng liên doanh Việt Thái không tham gia phiên hòa giải và cũng không có văn bản đồng ý kết quả hòa giải, nội dung thỏa thuận giữa Ngân hàng và Công ty Rạng Đông liên quan đến việc phát mại tài sản thế chấp của bà Đoàn Thị Hoàn My nhưng Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Mặt khác, quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm cũng không xem xét, thẩm định tại chỗ nên không phát hiện tài sản bà Đoàn Thị Hoàn My thế chấp cho Ngân hàng đã được bán cho bà Nguyễn Thị Tự, hiện gia đình bà Tự đang quản lý, sử dụng đối với tài sản này. Cấp sơ thẩm không đưa bà Tự và các thành viên gia đình bà Tự vào tham gia tố tụng là thiếu sót, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình bà Nguyễn Thị Tự.